Cùng với Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD), ngày 15/8/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, sau hơn 12 năm thực hiện với một lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2017, một số quy định tại Luật các TCTD đã không còn phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Nghị quyết 42 sau hơn 6 năm thí điểm trên thực tiễn cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh cần được rà soát để hoàn thiện thêm.

Chuyên gia đề cập nhiều vấn đề về xử lý nợ xấu
Hội thảo diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: C.T
Ngân hàng Nhà nước đốc thúc việc xử lý nợ xấu Khơi thông cơ chế về mua, bán, xử lý nợ để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp

Để không tạo khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đánh giá Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả lớn, là bước đột phá trong công tác xử lý nợ xấu ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình áp dụng cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh bản thân nền kinh tế và hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều thay đổi.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại đang suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, tuy nhiên, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế, trong hệ thống, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý I/2023 cho thấy nợ xấu gia tăng mạnh so với trước.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng mặc dù Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành đã rất chủ động, quyết liệt ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, dự báo nợ xấu của hệ thống TCTD có thể còn tăng trong năm 2023 khi rủi ro tín dụng gia tăng, do khách hàng phải chịu tác động cộng hưởng từ những rủi ro còn lại do ảnh hưởng từ Covid-19; khó khăn trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp; cùng với tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn và mặt bằng lãi suất còn ở mức cao.

Đi vào các vấn đề cụ thể, các nhóm chủ đề mà các chuyên gia, ngân hàng thương mại quan tâm là vướng mắc về thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, áp dụng quyền thu giữ tài sản đảm bảo đối với các tổ chức không phải TCTD, VAMC, áp dụng thủ tục rút gọn tại toà án...

Nợ xấu có chiều hướng gia tăng

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.