Đẩy mạnh đào tạo và tuyên truyền

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tới nay, Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) đã kết nối với hơn 55.000 doanh nghiệp, thực hiện 249/261 thủ tục của 13 bộ, ngành với khoảng 5 triệu hồ sơ. Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; chuẩn bị thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật, thảo luận giải pháp lộ trình trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Với các đối tác ngoài ASEAN, đã hoàn thành trao đổi thông tin tờ khai hải quan thử nghiệm với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán Nghị định thư trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử với Hàn Quốc; triển khai Thỏa thuận tạo thuận lợi thương mại Việt Nam - New Zealand. Việc triển khai NSW tiếp tục nhận được đánh giá tích cực từ doanh nghiệp, các tổ chức trong, ngoài nước; đem lại hiệu quả thiết thực cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, người dân.

Thủ tục hành chính và xuất nhập khẩu ngày càng tiện lợi, thông thoáng. Ảnh: Đông Mai
Thủ tục hành chính và xuất nhập khẩu ngày càng tiện lợi, thông thoáng. Ảnh: Đông Mai

Đối với vấn đề kiểm tra chuyên ngành, 51/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS đã được ban hành, chiếm 85% kế hoạch; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc loại bỏ danh mục hàng hóa nhóm 2 và danh mục hàng hóa được cấp phép nhập khẩu cho 22/22 nhóm hàng.

Hiện nay, để phát huy hơn nữa hiệu quả của NSW, Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan vẫn đang chủ trì việc hoàn thành kết nối các thủ tục hành chính trên hai hệ thống này theo kế hoạch. Tổng cục Hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối trong thực hiện NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành; xây dựng và triển khai kế hoạch hành động triển khai NSW, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2022 - 2026...

Cũng theo ông Thành, cơ quan hải quan đang gấp rút trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị định về kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo NSW. Cùng với đó là xây dựng và triển khai đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung; đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành trong triển khai ASW, NSW...

Ban hành nghị định “sớm nhất có thể”

Chỉ đạo tại cuộc họp Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) diễn ra cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban 1899 Phạm Bình Minh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, đơn vị là thành viên của Ủy ban 1899 trong việc thúc đẩy triển khai NSW, ASW, công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại.

Về công tác kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành tích cực triển khai được 90% các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, tại Quyết định 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020, với tinh thần tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải.

Đưa Cơ chế một cửa quốc gia vào hoạt động thực chất

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Phạm Duyên Phương, dù đã đạt được những thành quả ấn tượng, song quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) cũng cho thấy một số điểm tồn tại cần được khắc phục, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ công của các cơ quan nhà nước; đưa thủ tục hành chính thực hiện trên NSW hoạt động một cách thực chất; giảm bớt chi phí và thời gian tuân thủ cho doanh nghiệp song vẫn đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước.

Để hiện thực hóa yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, chính phủ số và khắc phục những tồn tại trong quá trình triển khai NSW, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc xây dựng Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo NSW.

Về triển khai thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ: Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công thương sớm hoàn thành 10% nhiệm vụ còn lại được giao. Bộ Công thương chủ động rà soát, bố trí nguồn nhân lực phù hợp để thực hiện vai trò quản lý nhà nước về logistics.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, yêu cầu cấp thiết là phải hoàn thành việc xây dựng nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải "sớm nhất có thể", làm cơ sở để tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, nhất là việc xây dựng danh mục thông tin bộ, ngành cung cấp, chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tổng hợp, trình Chính phủ để rút các thủ tục hành chính phát sinh ít hồ sơ đăng ký, hoặc không phát sinh hồ sơ đăng ký để rút các thủ tục này khỏi NSW nhằm giảm kinh phí duy trì.