Triển khai FTA vẫn chưa đủ và chưa đồng đều

Tại tọa đàm “Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA”, tổ chức ngày 31/10, tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp (DN) có chung một đánh giá, thời gian qua, việc tham gia nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA,… đã mang lại nhiều lợi ích.

Các FTA này đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước, nhất là thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại.

Còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa ưu đãi từ các FTA
Còn dư địa rất lớn để các địa phương khai thác hiệu quả hơn nữa ưu đãi từ FTA. Ảnh: minh hoạ
Ở góc độ DN, bà Đỗ Thị Thúy Hương (Hiệp hội DN điện tử Việt Nam) chia sẻ, tận dụng cơ hội từ các FTA, cộng đồng DN ngành điện tử đã đạt kết quả sản xuất, kinh doanh rất ấn tượng, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2022, ngành điện tử đạt giá trị xuất khẩu 114 tỷ USD, xuất siêu 11,24 tỷ USD. Năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng DN cũng đang nỗ lực khai thác cơ hội từ FTA để đạt kết quả xuất khẩu cao nhất.

Bộ Công thương cũng chỉ ra năm 2022, có 52/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu sang thị trường CPTPP và 49/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu sang thị trường EVFTA, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Tương tự, có 44/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu sang thị trường UKVFTA, tăng 13 địa phương so với năm 2021.

Dẫn chứng cho sự thành công, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, cho hay 5 thành phố trực thuộc trung ương tận dụng các FTA rất tốt, với sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền. Cùng với đó, DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài kết nối hiệu quả, tham gia ngày càng nhiều vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế tại tọa đàm cho rằng, kết quả thực thi FTA những năm vừa qua chưa cao như kỳ vọng. Nguyên nhân là bởi việc thực thi FTA tại các địa phương còn nhiều khó khăn. Mức độ quan tâm tới triển khai các FTA của mỗi địa phương vẫn chưa đủ và chưa đồng đều. Do đó, rất cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý, cũng như những đột phá trong tư duy.

Ở góc độ cơ quan hoạch định chính sách, ông Ngô Chung Khanh chỉ ra hạn chế, tại các địa phương chưa có chính sách riêng hỗ trợ DN tận dụng FTA, do đó còn mang tính dàn trải, chưa tập trung cho các lĩnh vực, ngành hàng có thế mạnh. Thông tin về các FTA dù được đẩy mạnh nhưng cần tiếp tục nâng cao chất lượng theo chiều sâu, đáp ứng yêu cầu DN.

Xây dựng FTA Index làm thước đo hiệu quả

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng còn có những khác biệt giữa các địa phương với nhau trong khai thác FTA. Chẳng hạn như Cần Thơ rất tích cực mời các chuyên gia để tham gia trình bày cho cộng đồng DN và cũng như mời các chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ cho cộng đồng DN trong những vấn đề mà DN gặp phải khi thực thi các FTA. Nhưng ở các địa phương khác thì sự quan tâm đối với các FTA thế hệ mới thì dường như ít hơn.

Còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa ưu đãi từ các FTA
Thuỷ hải sản thế mạnh xuất khẩu của nhiều địa phương cần tận dụng hiệu quả hơn lợi thế từ các FTA. Ảnh: Hải Anh

Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả các FTA, ông Ngô Chung Khanh cho hay, Chính phủ đã giao Bộ Công thương xây dựng và công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện FTA (FTA Index) tại các tỉnh, thành phố, giúp các tỉnh quan tâm hơn đến tận dụng hiệu quả các FTA. Dự kiến cuối năm nay, FTA Index có thể được công bố...

“Chúng tôi hy vọng rằng với tư duy tương tự như chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) thì FTA Index giúp cho các tỉnh quan tâm hơn, chú ý trọng nhiều hơn đến việc tận dụng hiệu quả các FTA” - ông Ngô Chung Khanh nói.

Để thực thi việc khai thác hiệu quả các FTA, Bộ Công thương tiếp tục giúp các tỉnh, thành phố xây dựng, kết nối về hệ sinh thái của các mặt hàng và giữa các tỉnh có cùng mặt hàng chiến lược. Tiêu biểu như hệ thống một chuỗi các tỉnh có chè, gồm có: Lai Châu, Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai. Về quế có Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam… Kết nối các tỉnh có sản phẩm tương đồng có chính sách phát triển chung, nhất quán, hạn chế cách làm tự phát riêng từng địa phương rồi cạnh tranh với nhau.