lãi suất âm

Ảnh minh họa. Ảnh: VNN

Sau cuộc họp diễn ra tại Frankfurt, tối 10/3, ECB ra thông báo hạ thêm 10 điểm cơ bản đối với lãi suất trả cho lượng tiền mặt mà các ngân hàng thương mại gửi qua đêm tại ngân hàng trung ương, xuống còn -0,4% đồng thời hạ lãi suất cơ bản xuống còn 0%.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) áp dụng lãi suất -0,1% đối với các tài khoản tiền gửi của các định chế tài chính tại BOJ. Điều này có nghĩa là các ngân hàng khác gửi lượng tiền dư thừa ở ngân hàng Trung ương sẽ phải trả lãi thay vì nhận được lãi. Cho đến nay, chính sách lãi suất âm ở Nhật và châu Âu chỉ áp dụng cho tiền gửi của các ngân hàng khác tại ngân hàng trung ương, chưa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức kinh tế.

TS. Vũ Quang Huy (Đại học Sydney, Australia) nhận định, nguyên nhân chính mà các nước dùng lãi suất âm là vì vấn đề giảm phát và tình trạng thất nghiệp cao (do tiêu dùng, tổng cầu giảm nên giá cả hàng hóa giảm theo và chính vì thế các công ty giảm sản xuất và gây ra thất nghiệp).

Mặc dù trước đây, ngân hàng trung ương tại các nước đó đã giảm lãi suất về gần 0 nhưng cũng không kích thích được nhu cầu tiêu dùng. Không những thế, khi lãi suất về 0 và tình trạng giảm phát xảy ra, mọi người vẫn tiết kiệm. Điều đó không có lợi cho một nền kinh tế suy thoái với thất nghiệp cao.

Trước đây, trên thế giới, không nước nào sử dụng lãi suất âm thì nay một số nước bắt đầu đưa lãi suất nhỏ hơn 0, cho phép ngân hàng Trung ương thêm lựa chọn khi điều hành chính sách tiền tệ.

Hiệu quả chưa rõ ràng

Hiệu quả của chính sách âm như thế nào? Về vấn đề này, TS. Vũ Quang Huy cho rằng, hiệu quả của lãi suất âm chưa chắc chắn. Một số nhà kinh tế nhận định, lãi suất âm sẽ không hiệu quả mà còn gây “tác dụng phụ” cho nền kinh tế. Thứ nhất, người tiêu dùng trong trường hợp có lãi suất âm, sẽ rút tiền và giữ tiền ở nhà, như thế, không thể kích cầu cho nền kinh tế. Thứ hai, khi người dân cất tiền ở nhà, ngân hàng sẽ thiếu tiền để cho vay. Do đó, họ sẽ phải “chủ động” tăng lãi suất huy động. Nên cho dù ngân hàng Trung ương đưa lãi suất về âm, các ngân hàng thương mại sẽ không làm vậy vì sợ mất khách hàng. Thứ 3, cắt giảm lãi suất khó có thể thúc đẩy tiêu dùng khi niềm tin của người dân về tương lai chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lãi suất âm có thể hiệu quả, vì nó cho phép ngân hàng Trung ương sử dụng chính sách tiền tệ khi lãi suất đã về 0 hoặc gần 0. Thứ hai, nhà đầu tư sẽ gửi tiền vào những đồng tiền với lãi suất cao hơn. Cơ hội xuất khẩu sẽ tăng. Điều ấy sẽ giúp nền kinh tế phục hồi.

Như vậy, để nói chính sách lãi suất âm có hiệu quả hay không thì tùy thuộc vào nền kinh tế. Ví dụ, một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu thì chính sách lãi suất âm có thể là phù hợp. Còn nếu một nền kinh tế không dựa nhiều vào xuất khẩu và đang trong tình trạng giảm phát và niềm tin của người dân xuống thấp, chính sách lãi suất âm có thể không hiệu quả.

Với Việt Nam, lạm phát vẫn là một vấn đề được chú ý hơn giảm phát. Chính vì vậy, câu chuyện lãi suất âm có lẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Trường hợp nếu phải vận dụng lãi suất âm thì có thể là chỉ áp dụng với đồng USD chứ không phải với đồng Việt Nam vì đây là biện pháp hạn chế tình trạng "đô la hóa" nền kinh tế và nâng cao vị thế đồng nội tệ.

Hiện nay lãi suất tiền gửi cá nhân bằng USD đã ở mức 0% (chính thức áp dụng từ ngày 18/12/2015)./.

Theo VGP