Quản lý nợ công được điều hành chủ động, chặt chẽ, thận trọng Vay, trả nợ công giữa kỳ đều đạt chỉ tiêu, định lượng Quốc hội đề ra Vay nợ nước ngoài giảm dần, vốn từ trong nước đóng vai trò chủ đạo Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm đều đạt các mục tiêu đề ra Đánh giá kỹ việc sử dụng nguồn vốn ODA, tránh tạo gánh nặng về nợ công
Công tác quản lý nợ công được điều hành chủ động, chặt chẽ, thận trọng
Nguồn Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Ngân sách nhà nước được cơ cấu lại tích cực

Điểm lại những kết quả chính đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia các năm 2021 - 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã triển khai quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tài chính, ngân sách; cải cách thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tinh giản bộ máy.

Tổng chi thường xuyên 3 năm ước thực hiện (bao gồm cả chi tạo nguồn cải cách tiền lương) khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch. Tổng nguồn bố trí dự toán chi đầu tư phát triển lũy kế 3 năm trên 1,7 triệu tỷ đồng, trong thực hiện, đạt khoảng 1,9 triệu tỷ đồng. Nếu tính cả phần tăng thu ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021-2022 phân bổ cho các nhiệm vụ đầu tư công thì đạt khoảng 52% kế hoạch. Đây là mức rất tích cực trong bối cảnh nguồn thu bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp hụt lớn và chưa sửa đổi cơ chế phân cấp ngân sách để huy động thêm nguồn lực cho chi đầu tư phát triển của NSTW.

Đặc biệt, ngân sách nhà nước (NSNN) được thực hiện cơ cấu lại với kết quả tích cực. Theo đó, tổng thu NSNN 3 năm ước đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch, tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân 17,9% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 14,5% GDP.

Tổng chi 3 năm khoảng 5,9 triệu tỷ đồng, bằng 57,5% kế hoạch. Các nhiệm vụ chi NSNN được quản lý chặt chẽ, ưu tiên chi đầu tư phát triển, tiết kiệm chi thường xuyên; đảm bảo kinh phí phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, nhiệm vụ chính trị quan trọng, bố trí vốn đầy đủ cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và kịp thời điều chỉnh tăng lương cơ sở năm 2023.

Đánh giá chung, các chỉ tiêu cụ thể về thu, chi và cân đối NSNN vẫn đang theo tiến độ kế hoạch tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Một số chỉ tiêu khả năng khó đạt theo mục tiêu kế hoạch, gồm: tỷ trọng thu nội địa bình quân trong tổng thu NSNN; chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngoài nước và chi đầu tư phát triển từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Các chỉ tiêu về vay, trả nợ công đều đạt theo Nghị quyết 23

Đối với kết quả 3 năm 2021-2023 triển khai Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021- 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, công tác huy động, trả nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công, hạn mức vay và bảo lãnh chính phủ, vay nợ chính quyền địa phương đều thực hiện đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Nợ công cuối năm 2023 giảm còn khoảng 39 - 40% GDP

Theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2023, nợ công là khoảng 4 triệu tỷ đồng, ước bằng 39 - 40% GDP, giảm từ mức 42,7% GDP năm 2021; nợ chính phủ khoảng 3,7 triệu tỷ đồng, khoảng 36 - 37% GDP, giảm từ mức 38,7% GDP năm 2021. Đến cuối năm 2023, nợ trong nước chiếm 73% dư nợ chính phủ, tăng từ mức 67% năm 2021.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác quản lý nợ công cũng phát sinh một số khó khăn, hạn chế đã được Chính phủ nêu trong báo cáo như quy mô thị trường trái phiếu chính phủ trong nước chưa phát triển, điều kiện vay ngày càng thắt chặt hơn trong khi áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển lớn. Việc huy động nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài ngày càng khó khăn, giải ngân đạt thấp so với dự toán; công tác quản lý nợ của chính quyền địa phương cần được tiếp tục củng cố.

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, UBTCNS nhận thấy, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành công tác quản lý vay, trả nợ công. Trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động khó lường ảnh hưởng lớn tới kinh tế trong nước, các chỉ tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 đã được Chính phủ chủ động kiểm soát.

Sau 3 năm triển khai, các mục tiêu cụ thể cơ bản đều đạt Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội đề ra; các chỉ tiêu an toàn nợ từng năm giai đoạn 2021-2023 đảm bảo trong các mức trần và ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt.

Công tác quản lý nợ công được điều hành chủ động, chặt chẽ, thận trọng. Chính phủ chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền và tích cực các biện pháp kiểm soát an toàn nợ công và các hạn mức nợ. Công tác huy động vốn đáp ứng nhu cầu chi của NSNN.

Trong bối cảnh thu ngân sách vượt kế hoạch, giải ngân đầu tư công chậm hơn dự kiến, Chính phủ đã chủ động điều chỉnh nhu cầu vay, đảm bảo huy động đủ nguồn lực cho NSNN.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chú trọng việc đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và ngoài nước; phát hành trái phiếu chính phủ tập trung vào kỳ hạn dài. Trong đó, vay trong nước dự kiến khoảng 547.085 tỷ đồng, chủ yếu là phát hành trái phiếu chính phủ. Vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 57.294 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng mức vay; đảm bảo hạn mức bảo lãnh chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh.

Dự toán thu ngân sách năm 2024 tăng 5% là tích cực trong bối cảnh khó khăn

Cũng trong chiều ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2024, Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2024-2026.

Theo Bộ trưởng, thu NSNN thực hiện 9 tháng đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn và Chính phủ, Quốc hội đã triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất, ước thu NSNN cả năm 2023 khoảng 1.620,8 nghìn tỷ đồng, bằng dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 15,7% GDP.

“Nếu kể cả khoảng 75 nghìn tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế thì thu NSNN cả năm ước đạt 1.695,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4,6% so dự toán, là mức rất tích cực trong bối cảnh hiện nay” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Về chi NSNN, ước thực hiện 9 tháng đạt 1.239,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán. Ước chi NSNN cả năm khoảng 2.035,9 nghìn tỷ đồng, giảm 40,3 nghìn tỷ đồng (-1,9%) so dự toán. Phấn đấu giải ngân đầu tư công cả năm đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Căn cứ đánh giá thu và chi NSNN nêu trên, ước bội chi NSNN năm 2023 khoảng 415,2 nghìn tỷ đồng (giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so dự toán), khoảng 4% GDP. Đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Đối với năm 2024, dự toán thu NSNN năm 2024 khoảng 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng 80,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 15,3% GDP. Đây là mức dự toán tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.

Bám sát mục tiêu Kế hoạch 5 năm theo nghị quyết của Quốc hội, dự toán bội chi NSNN năm 2024 là 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP. Với mức thu và bội chi NSNN như trên, dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2024 khoảng 2.100,3 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1 nghìn tỷ đồng (+1,2%) so với dự toán năm 2023.

Thẩm tra các nội dung này, UBTCNS đánh giá mặc dù nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, việc điều hành NSNN đạt nhiều kết quả khả quan.

Về dự toán NSNN năm 2024, UBTCNS cho rằng phương án dự toán thu tăng 5% so với số ước thực hiện năm 2023 là khá tích cực trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 6% - 6,5%, lạm phát khoảng 4% - 4,5%. Tuy nhiên thu NSNN vẫn chứa yếu tố rủi ro, thiếu bền vững khi thu từ đất có mức tăng lớn.