Vay nợ nước ngoài giảm dần, vốn từ trong nước đóng vai trò chủ đạo
Quang cảnh hội thảo tham vấn đánh giá giữa kỳ kế hoạch vay, trở nợ công 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh Đức Minh

Cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội

Ngày 17/8/2023, tại Hà Nội, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tổ chức hội thảo tham vấn đánh giá giữa kỳ kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025.

Tại hội thảo, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, cùng với việc các cơ quan triển khai đánh giá giữa kỳ các kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công và các đề án khác, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đánh giá giữa kỳ kế hoạch vay trả nợ công 5 năm, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 6.

Cũng theo ông Trương Hùng Long, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, phức tạp. Mặc dù vậy, giai đoạn 2021 - 2023, công tác quản lý nợ công vẫn đạt được một số kết quả tích cực.

Trong đó, để bù đắp cho bội chi NSNN theo kế hoạch tài chính ngân sách và bổ sung cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ linh hoạt sử dụng các cơ chế, chính sách, các công cụ phù hợp huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó chủ yếu huy động từ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), vay ODA, ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Huy động vốn vay trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, vốn vay nước ngoài giảm dần trong cơ cấu vay của Chính phủ.

Việc huy động vốn vay trong nước được điều hành linh hoạt trên cơ sở dự báo số thu ngân sách nhà nước (NSNN), tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tình hình thị trường (nhu cầu của nhà đầu tư, xu hướng lãi suất phát hành), kế hoạch sử dụng nguồn ngân quỹ nhà nước.

Huy động vốn vay nước ngoài của Chính phủ được xác định là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển các dự án có tính liên kết vùng, có tính lan toả, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ về phát triển xanh và bền vững.

Đến nay, tổng mức vay của Chính phủ đạt khoảng 44,6% kế hoạch, trong đó vay của ngân sách trung ương đạt 45,9% kế hoạch. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đạt 54,4% kế hoạch; kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt từ 13,92 - 12,6 năm, đảm bảo mục tiêu đặt ra.

Kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nợ công

Ghi nhận tiến bộ đạt được của Việt Nam trong công tác quản lý nợ công thời gian qua, ông Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có những cải cách quan trọng về quản lý nợ công, trong đó bao gồm tăng cường khung pháp lý và quản lý nợ công…

Để Việt Nam hoàn thành kế hoạch vay, trả nợ công cả giai đoạn 2021 - 2025, ông Andrea Coppola cho rằng, Việt Nam cần phải cải cách thể chế tạo điều kiện cho công tác huy động nợ công, trên cơ sở đó hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước và góp phần quản lý ngân sách hiệu quả.

Cũng theo ông Andrea Coppola, Việt Nam đã đề ra Chiến lược Quản lý nợ công 10 năm, trong đó mục tiêu đặt ra là thành lập cơ quan quản lý nợ công vào năm 2030. Muốn vậy, cải cách thể chế là rất quan trọng, cũng như cần có sửa đổi quy định pháp luật.

Trên cơ sở tham vấn ý kiến góp ý, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, trong bản dự thảo báo cáo giữa kỳ, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý và triển khai hiệu quả kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2024 - 2025.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý NSNN, đầu tư công, đồng bộ với hoàn thiện khuôn khổ quản lý nợ công, trong đó có việc khắc phục rào cản, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; hình thành cơ quan quản lý nợ thống nhất trong Chính phủ và Bộ Tài chính theo đúng Nghị quyết 07-NT/TW.

Về huy động vốn, Bộ Tài chính kiến nghị, tiếp tục nghiên cứu để phát triển đa dạng sản phẩm, hàng hoá trên thị trường TPCP, gồm cả sản phẩm TPCP xanh, căn cứ vào sự phát triển của thị trường trong từng giai đoạn, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Nghiên cứu đưa TPCP vào rổ chỉ số trái phiếu quốc tế để thu hút thêm các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài.

Về triển khai vay và sử dụng vốn, Bộ Tài chính đề nghị tăng cường kỷ luật, yêu cầu các chủ đầu tư phải giải ngân theo kế hoạch năm, kiên quyết hủy bỏ số dư kế hoạch nếu không có khả năng sử dụng. Thắt chặt quy định phạm vi chuyển nguồn cuối năm, tránh phải huy động vốn vay lớn dồn vào một thời điểm, ảnh hưởng đến an toàn về nợ công và an ninh tài chính quốc gia…

An toàn nợ công được đảm bảo trong phạm vi mức trần

"Nhìn lại giai đoạn 2021 - 2023, chúng ta thấy công tác quản lý nợ công đã đạt được một số kết quả nổi bật. An toàn nợ công được đảm bảo trong phạm vi mức trần, ngưỡng cảnh báo được Quốc hội phê duyệt. Đảm bảo huy động vốn vay cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển. Thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Năm 2022, trong bối cảnh nhiều quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm, Việt Nam được 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tổ chức Fitch giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm” - ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết.