Cổ phiếu “tím lịm”, tăng gần 50% sau khi trở lại sàn

Vừa qua, ngày 18/3/2024, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã có quyết định (số 123/TB-SGDHCM) đưa ra khỏi diện đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã ck: HPX), từ ngày 20/3.

Quyết định của HOSE nêu rõ tổ chức niêm yết đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị đình chỉ giao dịch, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành, theo Quyết định số 17/QĐ- HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, ngày 18/9/2023 cổ phiếu HPX bị đình chỉ giao dịch nguyên nhân là do doanh nghiệp tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Ngày 7/3/2024, HPX đã gửi văn bản đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE để đề nghị cho cổ phiếu HPX được giao dịch trở lại. Theo công ty, sau khi cổ phiếu HPX bị đình chỉ giao dịch, công ty đã thực hiện việc tra soát, kiểm điểm rút kinh nghiệm để tránh xảy ra những vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin. Ngày 7/3, công ty đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 với ý kiến chấp thuận toàn phần của đơn vị kiểm toán.

Công ty CP Đầu tư Hải Phát có gì sau 4 phiên tăng trần liên tục?
Diễn biến cổ phiếu HPX có xu hướng tăng sau khi giao dịch trở lại vào ngày 20/3.

Ngay trong phiên đầu tiên quay trở lại giao dịch vào ngày 20/3, cổ phiếu HPX tăng mạnh với biên độ giao động 20% lên 6.550 đồng/cổ phiếu. Kết phiên ngày 20/3, hơn 1 triệu cổ phiếu HPX được sang tay ở giá trần, tổng giá trị lên đến hơn 9 tỷ đồng.

Trong 3 phiên tiếp theo, giá cổ phiếu HPX liên tục tăng trần. Cụ thể, kết phiên ngày 21/3, cổ phiếu HPX tiếp tục tăng trần với mức giá 7.000 đồng/cổ phiếu, tổng khối lượng giao dịch hơn 415 nghìn đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 2,9 tỷ đồng. Kết phiên ngày 22/3, cổ phiếu HPX có giá 7.490 đồng/cổ phiếu, tổng khối lượng giao dịch hơn 2,3 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 17,5 tỷ đồng.

Kết phiên ngày 25/3, cổ phiếu HPX tăng tiếp lên đến 8.101 đồng/cổ phiếu, tổng khối lượng giao dịch hơn 34 nghìn đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 276 tỷ đồng. Sau 4 phiên tăng trần liên tục, cổ phiếu HPX đã tăng 46,7% so với mức giá lúc giao dịch trở lại.

HPX kinh doanh ra sao mà tăng trần liên tục?

HPX từng là cổ phiếu “tốn nhiều giấy mực” của các cơ quan truyền thông. Giai đoạn cuối 2022, thời điểm tháng 9, cổ phiếu HPX đã có lúc lên đến 26.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu HPX giảm kịch sàn hàng chục phiên liên tiếp xuống còn 4.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 30/12/2022. Cùng với đó, Chủ tịch HĐQT HPX Đỗ Quý Hải liên tiếp bị các công ty chứng khoán bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu HPX.

Công ty CP Đầu tư Hải Phát có gì sau 4 phiên tăng trần liên tục?

Tính đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest, ông Đỗ Quý Hải chỉ còn sở hữu hơn 40,8 triệu cổ phiếu HPX, tương đương tỷ lệ 13,43%. Ảnh minh hoạ.

Cổ phiếu HPX sau đó lần lượt bị cắt margin, bị đưa vào diện cảnh báo và cuối cùng là đình chỉ giao dịch kể từ ngày 18/9/2023, do HPX liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin.

Đáng chú ý, trong 5 phiên liên tiếp trước khi bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu HPX tiếp tục bị bán tháo từ vùng giá 7.680 đồng xuống còn 5.480 đồng/cổ phiếu, gần bằng giá tham chiếu khi mở bán trở lại vào ngày 20/3/2024.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, HPX có một năm kinh doanh có thể xem là thuận lợi hơn, khi ghi nhận lợi nhuận ròng lên đến 135 tỷ đồng, tăng 192 tỷ đồng so với năm 2022. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 đạt 183 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với năm 2022. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn năm 2023 giảm 3 lần so với năm ngoái.

Hoạt động tài chính của HPX trong năm 2023 cũng diễn ra sôi động. Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính năm 2023 ghi nhận 253 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ chuyển nhượng cổ phần năm 2023 là 250 tỷ đồng, tăng 150 tỷ đồng so với năm 2022. Chi phí tài chính cũng gia tăng đáng kể đối với khoản mục chi phí quảng cáo khuyến mãi, tăng 127 tỷ đồng so với năm trước đó. Hàng tồn kho của HPX giảm từ 3,7 tỷ đồng xuống còn 2,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, HPX vẫn còn tồn đọng nợ xấu, với tổng số tiền lên đến 39,6 tỷ đồng. Trong đó 30 tỷ đồng là khoản nợ quá hạn trên 3 năm. Tổng dư nợ trái phiếu HPX năm 2023 lên đến 1,5 nghìn tỷ đồng. HPX cũng không thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu trong năm 2022 và 2023.

Tại Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, HPX đặt kế hoạch doanh thu năm nay đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 64,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 105 tỷ đồng, giảm 21,8% so với thực hiện trong năm 2023 và cổ tức dự kiến với tỷ lệ 5%. Có thể thấy, kế hoạch kinh doanh năm 2024 của HPX không thực sự sáng sủa khi lên kế hoạch lợi nhuận “đi lùi” so với năm 2023 và 2022.

Về định hướng kinh doanh đối với hoạt động đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A), HPX sẽ tập trung hoàn thành giải quyết các dự án hiện hữu đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý để sớm triển khai thực hiện; tiếp tục tìm kiếm các đối tác để chuyển nhượng một số dự án không nằm trong kế hoạch và mục tiêu của công ty; nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án mới với quỹ đất sạch, chi phí vốn hợp lý tại các tỉnh thành để có thể đưa vào kinh doanh vào cuối năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đối với vấn đề tài chính, thu xếp vốn, HPX sẽ tập trung cân đối dòng tiền, thu xếp vốn để thực hiện các dự án trong năm 2024; cân đối nguồn để nộp thuế, trả nợ gốc và lãi các gói trái phiếu, tín dụng đến hạn. Trong đó bao gồm việc đàm phán với các trái chủ để gia hạn các gói trái phiếu, tín dụng; cơ cấu lại tỷ lệ sở hữu tại các công ty con, công ty liên kết.

Ngày 27/2/2024 vừa qua, HPX đã có văn bản về việc chốt ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Ngày cuối cùng đăng ký là 18/3/2024. Thời gian tổ chức dự kiến là ngày 26/4/2024.