OPC, cổ phiếu gây… "buồn ngủ"

Nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu OPC của Công ty cổ phần Dược phẩm OPC có thể thấy đây là một trong những cổ phiếu gây… "buồn ngủ" nhất trên sàn chứng khoán bởi sự “ổn định” quá mức của cổ phiếu này.

Trong năm 2021 - thời kỳ được coi là giai đoạn thăng hoa của thị trường chứng khoán, cổ phiếu OPC chỉ có một nhịp sóng vào khoảng cuối tháng 5/2021, sau đó đi vào giai đoạn ru ngủ trong suốt nửa cuối năm 2021 và kéo dài đến nay. Cụ thể từ cuối tháng 6/2021 đến nay, đồ thị giá cổ phiếu OPC diễn biến theo một chu kỳ gần như một đường thẳng căng ngang, với mặt bằng giá chỉ luôn loanh quanh mức khoảng 55.000 – 56.000 đồng/cổ phiếu.

Cục diện tài chính đằng sau tỷ trọng phải thu khó đòi tăng tại OPC
Cục diện tài chính đằng sau tỷ trọng phải thu khó đòi tăng tại OPC. Ảnh: T.L
SJS phải đính chính báo cáo kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính DIG: Đầu tư tài chính phải trích lập dự phòng tiếp tục tăng cao VEF: Doanh thu không đáng kể, thu nhập chủ yếu từ hoạt động tài chính

Việc cổ phiếu OPC rơi vào trạng thái mất hưng phấn từ tháng 6/2021 sau một nhịp tăng đợt tháng 5/2021 có thể có phần lý giải do lợi nhuận quý II/2021 của doanh nghiệp không được thuận lợi.

Trong quý này, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 194 tỷ đồng, vẫn duy trì mức tương đương năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt chưa đến 17 tỷ đồng, sụt giảm so với kết quả hơn 21 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý II/2021 giảm là do chi phí quản lý doanh nghiệp trong giai đoạn này tăng vọt.

Mặc dù tình hình kinh doanh quý III/2021 đã có tín hiệu khởi sắc, nhưng điều đó cũng không làm cho cổ phiếu OPC “tỉnh ngủ”. Doanh thu thuần quý III/2021 của Dược phẩm OPC đạt 298 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với 214 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý III/2021 đạt hơn 33 tỷ đồng, cũng tăng khoảng hơn 53% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2021, Dược phẩm OPC cũng đã có tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, nhưng điều này cũng vẫn không khiến cho nhà đầu tư có thêm cảm hứng để tạo ra chút gợn sóng nào đối với cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay.

Kết quả kinh doanh cả năm 2021 cho thấy, doanh thu thuần của OPC đạt 1.124 tỷ đồng, tăng khoảng hơn 16%, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 123 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng hơn 19%. Trong khi đó, cổ phiếu OPC vẫn giữ yên ổn trên mặt bằng giá như thời điểm nửa cuối năm 2021.

“Vết nhức” đằng sau các khoản phải thu

Nhìn vào các con số kinh doanh có thể thấy OPC đã trải qua một năm thành công trên phương diện tách riêng các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận, với tăng trưởng ở mức khá so với năm trước. Những con số tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của năm 2021 hoàn toàn là những yếu tố để OPC đặt ra những tham vọng mới trong giai đoạn tiếp theo, khi doanh nghiệp này xác định mục tiêu doanh thu năm 2022 là 1.150 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 175 tỷ đồng.

Các con số kinh doanh sơ lược của OPC là vậy, nhưng việc cổ phiếu OPC vẫn chưa có được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư cũng có thể có những lý do riêng, trong đó, một vài chỉ số tài chính vẫn còn tạo ra cảm giá khá “nhức nhối” đối với các cổ đông doanh nghiệp này.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, OPC ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn đầu kỳ là hơn 149 tỷ đồng và giảm xuống hơn 133 vào cuối kỳ. Tuy nhiên, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lại biến động theo chiều ngược lại, tăng từ 35,4 tỷ đồng đầu năm lên hơn 38 tỷ đồng vào cuối năm. Theo đó, tỷ lệ dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi/tổng các khoản phải thu ngắn hạn của OPC đã tăng từ mức 23,8% thời điểm đầu năm lên mức 28,5% vào cuối năm.

Nhìn lướt qua số liệu tài chính của một số doanh nghiệp khác, tỷ lệ các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi/các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2021 khá cao so với một số doanh nghiệp cùng ngành dược. Ví dụ tỷ lệ này của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã cổ phiếu DHG) chỉ là 10%, một số công ty dược khác thậm chí tỷ lệ còn thấp hơn nữa, chẳng hạn tỷ lệ của Công ty cổ phần Traphaco (mã cổ phiếu TRA) chỉ là 3,7%, còn của Công ty cổ phần Dược Hà Tây (mã cổ phiếu DHT) chỉ 0,9%.

Nhìn qua một số đối tác có nợ nần dây dưa với OPC có thể thấy tên các gương mặt như Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Kim Long, Công ty TNHH Tân Lộc Xanh, một số khối điều trị, một số nhà thuốc. Trong đó, riêng khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Kim Long nằm trong 2 cấu phần đều phải thu đều phải trích lập dự phòng 100% giá trị. Đó là khoản phải thu ngắn của khách hàng giá trị hơn 12,8 tỷ đồng và một khoản được OPC ghi nhận là phải thu ngắn hạn khác trị giá hơn 3,6 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi của OPC so với một số doanh nghiệp dược khác (số cuối năm 2021, đơn vị tỷ đồng)

Chỉ tiêu

OPC

DHG

TRA

DHT

Các khoản phải thu ngắn hạn (1)

113,4

488

188

273

Dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi (2)

38

49

7

2,4

Tỷ lệ (2)/(1)

28,5%

10%

3,7%

0,9%