Tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án luật Căn cước. Ngay sau Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo luật hiện có 7 Chương, 46 Điều.

Quy định rõ hơn về người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch

Trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, về tên gọi của dự thảo Luật và tên gọi của thẻ căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước.

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp, đổi thẻ căn cước
Các đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng 25/10.

Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.

Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuyển Điều này về Chương III (Điều 30), đổi tên Chương III thành “Thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước” và bổ sung, chỉnh lý Điều 5 “Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước”. Chỉnh sửa toàn diện Điều này như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để triển khai Đề án 06, thì việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết. Đồng thời dự thảo Luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong các trường thông tin quy định tại Điều này có 7 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp nếu các trường thông tin này chưa có hoặc chưa đầy đủ.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan.

Đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Thận trọng công khai thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia

Về cơ bản các đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh lý sau kỳ họp thứ 5. Có đại biểu cho rằng, nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đã tạo thuận lợi hơn cho người dân.

Có ý kiến cho rằng, việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là tất yếu trong công tác quản lý dân cư, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý nhà nước.

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp, đổi thẻ căn cước
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Theo đại biểu Phạm Thị Kiều, dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

“Tại khoản 5 Điều 6 của dự thảo luật quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước là: cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước. Như vậy cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an cấp tỉnh hay cấp huyện đều được cấp căn cước. Tuy nhiên theo Điều 28 của dự thảo quy định thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Do đó cơ quan soạn thảo cần xem xét định nội dung này thống nhất” - đại biểu Phạm Thị Kiều nói.

Về thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm có cả nhóm máu, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại vì ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và gây hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này được công khai và cũng không thống nhất với Luật Cư trú.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đề nghị mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng, báo cáo giải trình, tiếp thu đã đề cập nhiều vấn đề, giải trình nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, tài liệu dự án luật lần này gửi đến đại biểu Quốc hội còn muộn.

“Đây là dự án luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 80 triệu người dân và có nhiều nội dung có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, với việc gửi tài liệu muộn sẽ gây khó khăn cho các đại biểu trong việc nghiên cứu để tham gia góp ý hoàn thiện dự án luật...”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói.

Cho ý kiến về quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ bày tỏ nhất trí với việc cần cấp giấy tờ tuỳ thân, xác định căn cước cho những đối tượng trên để phục vụ quản lý xã hội đầy đủ, toàn diện.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nhằm có cơ chế quản lý có hiệu quả đối với nhóm đối tượng này. Qua đó, tạo điều kiện để họ có thể tham gia các giao dịch dân sự, các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu, bảo đảm cuộc sống.

Đã cấp gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện

Về quy định chuyển tiếp, hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành và 63 địa phương; việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đồng thời, đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện. Vì vậy, quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân từ ngày 31/12/2024 cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân.