TT

Phiên họp sáng 17/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hơn 16,161 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 17/8 về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tính đến hết năm 2020, tổng số đối tượng tham gia BHXH là 16.161.789 người, tăng 2,5% so với năm 2019.

Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc giảm 1,12% so với năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 2,1% so với năm 2019. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13.320.231 người, giảm 0,54% so với năm 2019 và chiếm tỷ lệ khoảng 27,57% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Số thu BHXH năm 2020 đạt hơn 263.949 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, thu BHXH bắt buộc gần 259.887 tỷ đồng, thu BHXH tự nguyện hơn 4.062 tỷ đồng. Số thu BHTN hơn 18.714 tỷ đồng, vượt 4,3% kế hoạch.

Tổng số tiền nợ đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu (trong đó nợ lãi chậm đóng chiếm khoảng 26% tổng số nợ).

Tổng chi trả các chế độ BHXH năm 2020 ước thực hiện là 243.695 tỷ đồng. Trong đó, số chi từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm chiếm 18,58% và chi từ nguồn Quỹ BHXH chiếm 81,42%.

Năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 6,65% so với năm 2019 và gấp hơn 2 lần so với số người tham gia BHXH tăng thêm của năm 2020 so với năm 2019.

Đánh giá về các kết quả này, Ủy ban Xã hội cho rằng các nội dung chi của Quỹ BHXH, BHTN đều tăng cả về số người, số tiền so với năm 2019 và nằm trong xu thế tăng đều trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ để lạm dụng, trục lợi Quỹ ốm đau, thai sản; vẫn còn tình trạng chi sai, chi chế độ trợ cấp thất nghiệp trùng với thời gian đóng BHXH… Số nợ đóng, chậm đóng BHXH dự báo tiếp tục tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Số người hưởng BHXH một lần có tốc độ tăng hơn so với năm trước. Với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

Về phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 28-NQ/TW là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khó đạt được mục tiêu đến năm 2021 có 35% và đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Chi phí quản lý chiếm 27,28% tiền sinh lời

Đối với việc quản lý, sử dụng quỹ, báo cáo của Ủy ban Xã hội cho biết đến hết năm 2020, tổng số kết dư quỹ BHXH, BHTN ước đạt gần 935.174 tỷ đồng. Trong đó, kết dư các quỹ lần lượt là: Quỹ Ốm đau, thai sản là 12.772 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là 53.751 tỷ đồng; Quỹ Hưu trí, tử tuất là 789.130 tỷ đồng; Quỹ BHTN là 89.141 tỷ đồng.

Tổng dư nợ đầu tư quỹ BHXH, BHTN, BHYT lũy kế đến cuối năm đạt 898.484 tỷ đồng, tăng 10,42% so với năm 2019. Các hình thức đầu tư vẫn chủ yếu là mua trái phiếu chính phủ (chiếm 86,72% tổng số dư của quỹ), gửi tiền, mua trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (chiếm 13,28%). Số tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ năm 2020 là 47.487,5 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Các hình thức đầu tư quỹ BHXH đã tuân thủ theo quy định. Lãi suất đầu tư bình quân năm 2020 đạt 5,02%, giảm so với các năm gần đây.

Về chi phí, theo báo cáo của Chính phủ, ước chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2020 là 12.782,3 tỷ đồng, chiếm 27,28% tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ và bằng 88,32% (giảm 1.689,1 tỷ đồng) tổng dự toán được giao, chủ yếu do nhiều mục chi không thực hiện được trong bối cảnh dịch bệnh.

Qua thẩm tra các báo cáo, Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH. Có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là nhóm đối tượng người lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia BHXH tự nguyện; hạn chế hưởng BHXH một lần…

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài; ban hành văn bản hướng dẫn việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện. BHXH Việt Nam đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN, BHYT bảo đảm chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản thanh toán chế độ không đúng quy định…/.

Hoàng Yến