Điều chỉnh tỉ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài
Tháo gỡ nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi
Rút ngắn thủ tục đầu tư để đẩy nhanh giải ngân vốn vay ODA

Cử tri tỉnh Bến Tre đề nghị nghiên cứu có cơ chế chính sách đầu tư cho tuyến động lực ven biển của tỉnh Bến Tre. Hiện nay tuyến đường này thực hiện vốn vay nhưng chưa được Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cơ chế vay và vay lại để thực hiện.

Bộ Tài chính cho biết, theo văn bản đề xuất của UBND tỉnh Bến Tre, dự kiến đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang, Trà Vinh với tổng đầu tư 11.627 tỷ đồng, trong đó vốn vay 7.515 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.112 tỷ đồng trên cơ sở Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam và định hướng quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (Quyết định số 129/QĐ- TTg ngàv 18/01/2021) và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Đầu tư tuyến động lực ven biển của tỉnh Bến Tre

Để có cơ sở ký kết hiệp định vay vốn, Bộ KH&ĐT cần hướng dẫn, thẩm định dự án đầu tư do chủ đầu tư lập. Ảnh: TL.

Việc xây dựng các dự án đầu tư phát triển hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có tỉnh Bến Tre) ứng phó với biến đổi khí hậu là phù hợp với chủ trương theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/1/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc đầu tư cần đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, trong đó có quy định về quy hoạch phát triển vùng và quy định của pháp luật về quản lý nợ công, phát huy được hiệu quả sử dụng vốn.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) có ý kiến đối với đề xuất khoản vay hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với quy mô khoảng 2 tỷ USD (do Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ trì đề xuất) và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất vay nêu trên.

Bộ Tài chính cũng đã làm việc với các bên liên quan, gồm đại điện lãnh đạo của 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ KH&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải trao đổi cụ thể về các vấn đề liên quan đến đề xuất khoản vay: sự phù hợp của các dự án cụ thể trong tổng thể quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và mức độ sẵn sàng của các dự án, sự phù hợp của tính chất khoản vay với cách thức tổ chức thực hiện dự án đầu tư; các vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý đối với đề xuất vay; về hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay.

Vì vậy, để có cơ sở đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn, Bộ KH&ĐT cần hướng dẫn, thẩm định dự án đầu tư do chủ đầu tư lập để trên cơ sở đó, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất khoản vay này nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, hiệu quả dự án và hiệu quả sử dụng vốn.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ luôn ủng hộ việc phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và tuyến đường này nói riêng./.