Doanh nghiệp, người dân là trung tâm trong chuyển đổi kinh tế xanh
Nguồn: Nghị quyết số 55-NQ/TW. Đồ họa: Phương Anh

Chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 và chương trình Golden Dragon Awards lần thứ 23, do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy - Vietnam Economic Times) và UBND TP. Hải Phòng phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn có chủ đề "Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nhận định, thế giới đang trong giai đoạn đứng trước thách thức lớn về yêu cầu chuyển đổi.

Hải Phòng đề xuất lập khu kinh tế xanh

Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, để hưởng ứng định hướng chiến lược của Chính phủ về phát triển xanh, bền vững, TP. Hải Phòng đang khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch “xanh”. “Hải Phòng rất mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương bạn đối với đề xuất này” - ông Lê Tiến Châu nói.

Trong đó, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, dựa vào tri thức là xu thế tất yếu, là dòng chảy chính của thời đại, mở ra tương lai xanh cho nhân loại và cơ hội phát triển cho các quốc gia.

"Đây không còn là khẩu hiệu hay lời kêu gọi, mà đã trở thành chủ đề bàn thảo trong các chương trình nghị sự dày đặc toàn cầu và khu vực; từng bước được pháp lý hóa, đi vào trong chính sách tài chính, đầu tư, thương mại, thúc đẩy sản xuất; trở thành những định hướng ưu tiên trong quản trị của mỗi quốc gia" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với Việt Nam, dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã chủ động hội nhập xu thế phát triển thời đại. Chúng ta đang thúc đẩy để chuyển nhanh sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế tuần hoàn và luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững và không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Để cuộc cách mạng xanh thành công, Phó Thủ tướng nêu rõ phải có sự tham gia của các bên. Đó là sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của cộng đồng quốc tế, kiến tạo môi trường thuận lợi của Chính phủ, triển khai quyết liệt ở các địa phương. Đặc biệt là vai trò trung tâm trong triển khai thực hiện và hưởng thụ thành quả của doanh nghiệp, người dân.

Nhiều thành tựu về phát triển kinh tế xanh

Doanh nghiệp, người dân là trung tâm trong chuyển đổi kinh tế xanh

Nhìn lại kết quả triển khai những năm qua, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển khẳng định, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh.

Điển hình như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. So với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15-20% và năm 2045 đạt khoảng 25-30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Năm 2023 Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 hecta canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000 ha); có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ…

Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu chuyển đổi xanh còn nhiều thách thức. “Để chuyển đổi xanh, phải nhất quán quan điểm đây là sự nghiệp chung của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức và phải thúc đẩy, tập trung 3 trụ cột là thể chế, khoa học công nghệ, nguồn lực, nhất là tài chính”- ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Doanh nghiệp là đầu tàu trong phát triển kinh tế xanh

Từ góc độ địa phương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu chia sẻ tại Diễn đàn cho rằng, đối tượng đóng vai trò đầu tàu và thúc đẩy mạnh mẽ cam kết phát thải ròng bằng 0, hay phát triển xanh chính là các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, điều kiện và nguồn lực cần thiết để thực hiện điều này. Do đó, ông đề xuất các doanh nghiệp phải thể hiện tinh thần tiên phong, đi đầu để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Trên cơ sở đó, Chính phủ và các địa phương cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện và cách tiếp cận phù hợp, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, bằng cách trước mắt cho phép thí điểm các mô hình kinh tế mới, theo hướng xanh, bền vững.

Đây cũng chính là một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định tại Diễn dàn. Theo Phó Thủ tướng, trong lộ trình đến năm 2025, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, luật công công nghiệp công nghệ số, cơ chế phát triển các ngành công nghiệp mới, cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển thị trường tín chỉ các-bon…

ÔNG NGUYỄN ĐỨC HIỂN, PHÓ TRƯỞNG BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG: Đổi mới cách tiếp cận trong hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Doanh nghiệp, người dân là trung tâm trong chuyển đổi kinh tế xanh

Để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh thành công, một trong những vấn đề lớn Việt Nam cần tập trung là đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi xanh thông qua việc xây dựng những tiêu chí, quy định và các chương trình hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến khả năng tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững vì đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thành công của chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy tài chính xanh, tín dụng xanh. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (hoặc khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0.

Còn theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần huy động thêm 144 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2050, tương ứng 2,2% của GDP, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

ÔNG LIM DYI CHANG, GIÁM ĐỐC CẤP CAO KHỐI KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP, NGÂN HÀNG UOB VIỆT NAM: Tài chính xanh - Chất xúc tác cho tương lai bền vững của Việt Nam

Doanh nghiệp, người dân là trung tâm trong chuyển đổi kinh tế xanh

Tài chính xanh đại diện cho một cách tiếp cận mang tính chuyển đổi để phát triển kinh tế, một cách tiếp cận mà trong đó tích hợp các cân nhắc về môi trường vào quá trình ra quyết định tài chính. Nó bao gồm một loạt các công cụ và cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy đầu tư vào các dự án và sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy sự bền vững về môi trường.

Bằng cách khuyến khích đầu tư xanh và tích hợp đánh giá rủi ro môi trường vào hoạt động cho vay, các ngân hàng đóng vai trò then chốt trong việc chuyển nguồn vốn cho các dự án bền vững. Thương mại và đầu tư cũng là những thành phần quan trọng của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Tới đây, việc Việt Nam được nâng hạng từ thị trường “cận biên” lên “thị trường mới nổi” cũng sẽ là một bước tiến tích cực vì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn với trọng tâm hướng đến tính bền vững.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Để thiết lập một hệ sinh thái xanh thực sự phát triển mạnh ở Việt Nam, chúng ta cần một cách tiếp cận toàn diện nhằm thúc đẩy sự đổi mới và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh, tăng cường quan hệ hợp tác công - tư để tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời thúc đẩy giáo dục và đào tạo về tính bền vững và đổi mới.