Dốc lực phục hồi “cỗ xe” kinh tế
Quang cảnh phiên khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, sáng 23/10. Ảnh: TL

Nguy cơ “giậm chân tại chỗ”

Mặc dù nhiều niềm tin và hy vọng về khả năng hồi phục của của cỗ xe kinh tế, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ những quan ngại về tình trạng đình trệ khi thảo luận tại tổ ngày 24/10 về kinh tế - xã hội. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đặt ra câu hỏi, cả nước không biết bao nhiêu dự án bất động sản “chết đứng” và nêu ra thực tế tại thành phố Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm, mới đây đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn ha. Nhiều dự án nằm đấy cả chục năm.

Nhìn thẳng vào trở ngại

“Chủ trương nhiều, kỳ vọng rất lớn, nhưng thực hiện chậm. Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu Quốc hội đã nói con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm. Trong các kết luận của Đảng vẫn thường hay nói là tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu. Những kết quả rất quan trọng mà chúng ta đạt được là rất đáng khích lệ và phần nào đó có thể tự hào với khu vực và thế giới. Nhưng cũng phải nhìn thẳng vào những vướng mắc, trở ngại để tập trung tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới” - Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng.

“Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

“Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định, bền vững, giúp đất nước tận dụng thời cơ, vượt qua các thách thức, khơi thông nguồn lực, chống chịu được trước các cú sốc, khủng hoảng từ bên ngoài, đồng thời giúp nền kinh tế tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững. Chúng ta cần tập trung giải quyết các thách thức bên trong cả trước mắt, lẫn trong trung và dài hạn” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

“Tình trạng đình trệ diễn ra khá phổ biến, không chỉ ở khu vực công mới có tình trạng một bộ phận cán bộ không dám nghĩ, không dám làm, sợ trách nhiệm, mà còn lan sang cả khu vực doanh nghiệp” - đại biểu Hoàng Văn Cường - đại biểu đoàn Hà Nội nhận định. Ông nói thêm: “Điều này có thể thấy qua việc các nguồn lực đầu vào đang rất sẵn có, nguồn vốn ưu đãi và vốn vay của ngân hàng thương mại đều sẵn sàng, nhưng doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay, khả năng hấp thụ vốn thấp. Khi các yếu tố lao động và chính sách hỗ trợ gần như bị bão hòa, nếu không có các giải pháp mang tính bứt phá thì nền kinh tế nước ta sẽ đứng trước nguy cơ giậm chân tại chỗ".

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng cần chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức từ cấp lãnh đạo đến cấp chuyên viên. Đây đang là lực cản, thách thức nội tại được coi là lớn nhất hiện nay.

Đại tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Thanh Hóa, dẫn ra thực trạng giải ngân chậm của 3 chương trình mục tiêu cùng đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân cả về khách quan lẫn chủ quan trên tinh thần “bắt bệnh đúng mới bốc thuốc được, biết đau ở đâu mà chữa”.

Ông Cường cho biết lãnh đạo tỉnh phản ánh thủ tục rất phức tạp, có cái phân quyền nhưng vẫn phải trình lên trên thẩm định và quá trình thẩm định rất lâu nên vốn có mà không giải ngân được. Cùng đó, quy định chồng chéo là nguyên nhân cán bộ sợ khi thực hiện. Cứ kêu gọi cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng không có quy định cụ thể thế nào để dám thì cán bộ còn sợ.

Trung ương “thông”, địa phương phải “thoáng”

Còn một thực tế mà ông Lê Kim Toàn - đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, đề cập đến là Chính phủ khẳng định thủ tục hành chính đã được cải cách, rà soát nhiều nhưng địa phương thấy càng sửa lại ngày càng phức tạp, thời gian giải quyết càng khó khăn. Như quy định một dự án đầu tư đô thị có quy mô 800 tỷ đồng trở lên phải xin ý kiến cấp bộ, ngành để thẩm định. Cả nước có nhiều dự án đầu tư quy mô 800 tỷ đồng. Như vậy, liệu Bộ Xây dựng có đủ nguồn nhân lực để thẩm định các dự án và tự chịu trách nhiệm về việc thẩm định hay địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm?

Hay việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vì quy định không thống nhất nên dù Chính phủ chỉ đạo làm quyết liệt, giao cho địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, đã đạt được trên 94% nhưng vẫn không thi công được. Lý do là quy định cho phép cấp các mỏ đất, cát cho các dự án trong diện trọng điểm quốc gia, nhưng vẫn phải làm thủ tục thông thường. Chính sách không đồng bộ dẫn tới dù đã bàn giao giải phóng mặt bằng nhưng không thể thi công triển khai dự án.

Lo ngại trước tỷ lệ đầu tư tư nhân sụt giảm mạnh, 9 tháng năm 2023 chỉ đạt 22,3%, bằng 1/6 so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19, ông Hà Quốc Trị - đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tín dụng tăng trưởng thấp, dù trung ương đã đề ra những chính sách rất thông thoáng về tài chính, tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhưng các cấp địa phương thì thực hiện một cách quá chặt chẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn...

Áp lực lớn với những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế

Nguy cơ nền kinh tế “giậm chân tại chỗ” có thể nhìn thấy ngay qua các con số trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đó là, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp.

Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu, các thị trường xuất khẩu lớn giảm hoặc tăng rất thấp. Xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm (13,9% so với cùng kỳ), cho thấy nhu cầu đầu vào cho sản xuất tiếp tục chậm lại. Tiêu dùng phục hồi chưa vững chắc, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý.

Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9/2023 chỉ tăng 6,92%. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với 135,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng.

Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ nhưng còn 17 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%; giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 46,77% kế hoạch.