Có "nhạc trưởng" để thực hiện giải pháp liên kết vùng

Nhiều giải pháp đã được các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023, với chủ đề “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức chiều 17/3/2023, tại Đà Nẵng, nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp giúp vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) này phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như mối tương quan chung với các vùng KTTĐ khác của cả nước.

Các diễn giả trao đổi, hiến kế tại diễn đàn. Ảnh: VĂN TUẤN
Các diễn giả trao đổi, hiến kế tại diễn đàn. Ảnh: Văn Tuấn

Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), gợi ý 2 nhóm giải pháp, gồm: giải pháp về huy động nguồn lực tài chính và giải pháp về phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển vùng. Theo TS. Nguyễn Thanh Nga, cần rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về tài chính có tính đến yếu tố đặc thù của vùng, qua đó giải quyết những nút thắt, giúp huy động tối đa nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Vùng KTTĐ miền Trung nói riêng.

Đồng thời, tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư các công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá các lĩnh vực (giáo dục, đào tạo, y tế,...) ở các địa bàn có lợi thế, dành phần kinh phí NSNN hỗ trợ cho các vùng nghèo, khó khăn. Khuyến khích việc huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển sự nghiệp công…

TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, Vùng KTTĐ miền Trung đang thiếu một "bản nhạc", một "nhạc trưởng" để có thể liên kết vùng, giúp cho vùng phát triển. Ông Lộc cho rằng, vai trò của các doanh nghiệp rất quan trọng trong liên kết vùng, cần phải phát huy vai trò của doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp đặt nhà máy ở địa phương đều nhìn theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, khi liên kết được những vấn đề đó, liên kết vùng sẽ tạo được sức mạnh và thành công.

Tuy nhiên theo ông Lộc, làm thế nào để có cơ chế tài chính, về dài hạn thì Chính phủ cần phải tính toán cụ thể cũng như nên có hội đồng vùng thực chất. Ngoài ra, cần xây dựng thiết chế vùng, song hiện nay vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ nên chưa trở thành một thực thể đóng vai trò trung tâm phát triển vùng.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng vùng chưa có chính sách, cơ chế đủ mạnh, hiệu quả để tạo đột phá (hiện chỉ có một số cơ chế, ưu đãi cho Đà Nẵng, Huế). Bên cạnh đó, còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó nhiều dự án hạ tầng chậm tiến độ, chưa làm rõ tính khả thi và phù hợp của dự án lớn, dự án liên vùng…

Tạo đòn bẩy tài chính phát triển kinh tế qua phát hành trái phiếu

Gợi ý phát triển Vùng KTTĐ miền Trung, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần xét đến yếu tố cho phép địa phương phát hành trái phiếu; đặt vị trí của trái phiếu chính quyền địa phương trong tổng thể thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; đa dạng các phương thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương…, tạo đòn bẩy tài chính cho địa phương phát triển kinh tế.

Theo ông Kiên, trái phiếu chính quyền địa phương có thể được phân loại thành ba loại cơ bản. Loại thứ nhất, chính quyền địa phương là chủ thể đi vay và nguồn trả nợ là lấy từ nguồn thu ngân sách của chính quyền địa phương. Đây là trường hợp chính quyền địa phương huy động vốn để thực hiện các dự án không tạo ra doanh thu hoặc doanh thu thấp, không đủ để trả nợ nên phải lấy nguồn thu ngân sách làm nguồn trả nợ.

Lợi thế địa lý đưa miền Trung trở thành cầu nối kinh tế - văn hóa của cả nước

Trong mối quan hệ liên vùng, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế, đồng thời là điểm trung chuyển hàng hóa với các tỉnh Tây Nguyên. Vùng là cửa ngõ ra biển thuận tiện nhất đối với các tỉnh thuộc vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây. Đối với cả nước, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được xác định có vị trí quan trọng để trở thành đầu mối của cả nước, đảm nhận vai trò trung chuyển và trung tâm giao thương, chế biến của Vùng Mê Kông lớn và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Loại thứ hai, chính quyền địa phương chỉ là một bên thứ ba tham gia vào việc phát hành trái phiếu và nghĩa vụ tài chính chỉ giới hạn ở một hoặc một vài khoản thu ngân sách có liên quan trực tiếp tới việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu. Các dự án được tài trợ bằng tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ tạo ra nguồn thu để trả nợ khi đến hạn; còn các khoản thu ngân sách sẽ không được sử dụng để trả cho nhà đầu tư khi trái phiếu đến hạn.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, trong thực tế, có thể xảy ra trường hợp trái phiếu được phát hành trên cơ sở giao thoa giữa hai loại kể trên, trong đó có sự tham gia của cả chính quyền địa phương và khu vực tư nhân với các thỏa thuận về phân chia vốn đầu tư và doanh thu của các dự án như trường hợp các dự án hợp tác công tư. Tại các dự án này, chính quyền địa phương có rất nhiều sự lựa chọn để tham gia vào quá trình huy động vốn, bao gồm góp vốn cổ phần, cam kết sử dụng sản phẩm và dịch vụ của dự án, cho tới cung ứng đầu vào cho dự án. Thỏa thuận giữa các bên với nhà đầu tư mua trái phiếu sẽ quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương với các khoản trả gốc và lãi của trái phiếu.

Trong một số trường hợp, việc thực hiện các dự án có quy mô lớn trên địa bàn nhiều địa phương sẽ mang lại hiệu quả cho tất cả địa phương tham gia và tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả vùng, so với trường hợp riêng lẻ từng địa phương thực hiện. Việc phân cấp tài khóa cần có quy định cho phép các địa phương phối hợp với nhau để thực hiện các dự án như vậy.

Phát triển kinh tế nên bắt đầu từ khu vực doanh nghiệp

Theo TS. Huỳnh Huy Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, kinh tế của Vùng KTTĐ miền Trung tăng trưởng liên tục nhưng có xu hướng thấp dần và ngày càng thấp hơn so với bình quân chung, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào, đặc biệt là vốn đầu tư.

"Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí nhỏ đến không tìm thấy được, do đó không có sức mạnh trong sự liên kết. Chúng tôi chỉ mong muốn cần có doanh nghiệp đủ lớn đứng ra làm trung tâm tạo liên kết cho các doanh nghiệp sẽ rất hiệu quả" - ông Hòa nhấn mạnh.

Đồng thời, vùng cũng cần có nhà đầu tư chiến lược, tạo ra được liên kết cho vùng, để làm được việc này các địa phương phải có liên kết cụ thể, cần phải có một hiệp hội để thu hút đầu tư...

Vốn thiếu, sức mua thấp cản trở sức bật của vùng

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết, cộng đồng kinh doanh tại Vùng KTTĐ miền Trung còn gặp nhiều khó khăn bởi quy mô, sức mua thị trường còn thấp; quy mô doanh nghiệp có xu hướng nhỏ hóa khi số vốn, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới hằng năm ngày càng giảm... Vì vậy, khu vực này có nhiều cảng biển, cảng hàng không và là trung điểm giao thông đường bộ của cả nước nhưng chi phí logistic còn cao; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chưa phát triển; nguồn nhân lực cao cấp còn thiếu...

Câu hỏi đặt ra là đâu là giải pháp để Vùng KTTĐ miền Trung phát triển đúng với tiềm năng và chắp cánh cho sự phát triển kinh tế chung của cả khu vực miền Trung rộng lớn hơn? Đây cũng là mong muốn không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, mà còn là của cả vùng.