Giảm thuế thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

PV: Năm 2023, Quốc hội và Chính phủ đã hành nhiều chính sách tài khóa, trong đó, các chính sách giảm thuế, phí được đánh giá hỗ trợ rất hiệu quả. Ông đánh giá thế nào về các chính sách này trong hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế?

Giảm thuế thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế

TS. Nguyễn Đình Chiến: Trong năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt ban hành và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong nhiều lĩnh vực nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế sớm hồi phục, trong đó, phải kể đến các chính sách liên quan đến thuế, phí, tiền thuê đất.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 26/6/2023 về việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% (giảm từ 10% xuống còn 8%) đối với nhiều nhóm hàng hóa từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023...

Chính sách giảm thuế, phí hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng kinh tế

Theo TS. Nguyễn Đình Chiến, các chính sách tài khóa trong thời gian qua được ban hành kịp thời cùng với nhiều chính sách khác giúp người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế sớm hồi phục, trong đó, chính sách giảm thuế, phí được đánh giá rất hiệu quả trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Có thể nói, các chính sách về giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, mức thuế bảo vệ môi trường, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất nói trên có phạm vi, mức độ hỗ trợ lớn. Đây là những giải pháp hợp lý, kịp thời đã giúp cho các doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Điều này phần nào thể hiện qua mức độ tăng trưởng cao của nền kinh tế trong những tháng cuối năm đã giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 5,05% và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Cùng với đó, năm 2023, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản giữ ổn định, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi.

PV: Mới đây, Chính phủ đồng ý đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo ông, cùng với chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 sẽ tiếp tục tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm nay ra sao?

Giảm thuế thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế
Giảm thuế giúp hạ giá thành, kích thích nhu cầu mua sắm. Ảnh: TL.

TS. Nguyễn Đình Chiến: Ngày 28/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội khóa XV. Theo đó, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Thời gian thực hiện giảm thuế suất này thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024.

Ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024. Trong đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng này đã giảm 50% so với mức thuế quy định Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.

Có thể nói, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm mức thuế bảo vệ môi trường này đã từng được thực hiện trong các năm 2022, 2023 và đã được đánh giá là có tác dụng lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nền kinh tế. Do đó, theo tôi chắc chắn trong năm 2024, các chính sách này cũng sẽ có tác động quan trọng trong việc tiếp tục tạo đà cho tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo.

Cụ thể, việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế 10%, giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp, tăng mức tiêu thụ, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Điều này sẽ có tác động tích cực đến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ; tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế.

PV: Bên cạnh các chính sách giảm thuế, phí năm 2024, cần chú trọng vào những động lực nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Năm 2023, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 5,05% với xu hướng tích cực là cải thiện dần qua từng quý, trong đó quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47% và quý IV tăng 6,72%.

Các động lực tăng trưởng được xác định trong năm qua là đầu tư công để thúc đẩy, tạo nền tảng cho đầu tư tư nhân; kích thích tiêu dùng trong nước để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; đẩy mạnh xuất khẩu và đổi mới thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoạt động và phát triển.

Tôi cho rằng, với mục tiêu đạt mức tăng trưởng từ 6 đến 6,5% trong năm 2024, ngoài các chính sách giảm phí, lệ phí, cần tiếp tục chú trọng đến các nội dung trên để tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể đạt từ 6,13% - 6,48%

Trong báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố mới đây, đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1 và 6,48% trong kịch bản 2.

Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong kịch bản 1 và tăng 5,19% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.

Báo cáo của CIEM cũng đánh giá kết quả hai năm thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản liên quan đến tổ chức thực thi RCEP. Kết quả trong giai đoạn 2018-2023, dù còn cần theo dõi thêm, cho thấy tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia tham gia Hiệp định RCEP nhìn chung giữ xu hướng giảm. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong RCEP còn tương đối thấp (0,67%).

Do đó, các chuyên gia CIEM khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục xử lý một số thách thức trong quá trình thực hiện RCEP trong thời gian tới; trong đó, có các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác trong RCEP và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP.

Các chuyên gia của CIEM cho rằng, việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường...