PV: Không thể phủ nhận Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (NĐ 60) đã có những đổi mới tích cực trong tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL - đơn vị) so với các nghị định trước đó. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc triển khai nghị định này thời gian qua chậm và vướng mắc, trong đó có nguyên nhân do Bộ Tài chính đến nay mới ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn. Quan điểm của bà như thế nào về ý kiến này?

Gỡ vướng thực hiện tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập
Bà Vũ Thị Hải Yến

Bà Vũ Thị Hải Yến: Ngay sau khi Chính phủ ban hành NĐ 60, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của các ĐVSNCL, đặc biệt là đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, ngày 13/11/2021 Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Do đó, các đơn vị khi phê duyệt phương án tự chủ tài chính chưa thể thực hiện ngay việc chi trả thu nhập cho người lao động theo cơ chế tiền lương mới, quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và NĐ 60. Điều này dẫn đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định, theo quy định tại NĐ 60, còn chưa khách quan và chính xác. Vì vậy, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP cho phép các ĐVSNCL được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt cho đến hết năm 2022.

Đối với một số nội dung vướng mắc theo phản ánh của một số bộ, ngành, địa phương khi triển khai NĐ 60, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 56/2022/TT-BTC (Thông tư 56), như: Về cách xác định các khoản thu xác định mức độ tự chủ tài chính và các khoản chi xác định mức độ tự chủ tài chính và phân loại mức tự chủ tài chính và giao quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị; cách xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên trong từng lĩnh vực (giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế - dân số, khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác) và trong phụ lục kèm theo thông tư đã đưa ra các ví dụ về cách xác định mức độ tự chủ tài chính của để các đơn vị tham khảo, khi xây dựng phương án tự chủ tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Thông tư 56 cũng hướng dẫn về thẩm quyền giao tự chủ tài chính của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; hướng dẫn việc tạm trích các quỹ và thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm trong năm đối với đơn vị nhóm 1, 2, 3; chi thu nhập tăng thêm và chi phúc lợi, khen thưởng đối với nhóm 4; hướng dẫn về lập dự toán và phê duyệt dự toán mua sắm từ nguồn thu cung cấp hoạt động dịch vụ của ĐVSNCL (bao gồm cả nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh)...

PV: Hiện một số ĐVSNCL thí điểm tự chủ tài chính phản ánh gặp vướng mắc về việc phải nộp tiền thuê đất, đơn cử như: Học viện Nông nghiệp, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K... Ý kiến của bà thế nào về vướng mắc này và giải pháp để tháo gỡ, thưa bà?

Bà Vũ Thị Hải Yến: Một số vướng mắc của các đơn vị thí điểm tự chủ tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư, theo thông tin báo chí gần đây nhắc đến ở trên. Các đơn vị này đều có một vướng mắc chung, đó là đơn vị phải chuyển từ đối tượng không thu tiền sử dụng đất sang nộp tiền thuê đất hàng năm.

Sẽ tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp thực tiễn

“Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan (nếu có) phù hợp với thực tiễn; tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra thông qua giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước”. - bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, kể từ ngày 1/7/2014, các ĐVSNCL tự chủ tài chính thuộc đối tượng thuê đất và nộp tiền thuê đất theo quy định. Trường hợp đơn vị tự chủ tài chính được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, thì phải chuyển sang thuê đất kể từ ngày 1/7/2014 và nộp tiền thuê đất. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nộp tiền thuê đất theo quy định tại Luật Đất đai sẽ gây khó khăn cho các đơn vị, các đơn vị không có nguồn kinh phí để thực hiện. Lý do là hiện nay, khi phân loại phương án tự chủ tài chính và xác định các nội dung chi hợp lý, hợp pháp của các đơn vị không xác định nguồn cũng như nội dung chi nộp tiền thuê đất theo quy định.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã có các văn bản gửi các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiến nghị: sửa điểm e Khoản 1 Điều 56 và Khoản 2 Điều 60 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng các đơn vị không thuộc đối tượng thuê đất và nộp tiền thuê đất.

PV: Với một số vướng mắc tại NĐ 60, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung như thế nào, thưa bà?

Bà Vũ Thị Hải Yến: Trong quá trình xây dựng và ban hành NĐ 60, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã thể hiện các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 19/NQ-TW và Nghị quyết số 27/NQ-TW.

Từ thực tế vướng mắc tại NĐ 60, Bộ Tài chính đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về các khó khăn trong quá trình thực hiện nghị định. Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong việc thẩm định phương án tự chủ tài chính để tạo điều kiện cho các đơn vị có điều kiện chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP cho phép các ĐVSNCL được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt cho đến hết năm 2022.

Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung NĐ 60. Đến nay, ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của 9/27 bộ, cơ quan trung ương, 42/63 địa phương. Qua đó, ban soạn thảo nhận thấy có 5 vấn đề cần được tập trung bổ sung, chỉnh sửa đó là: về lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; kinh phí hỗ trợ từ NSNN đối với các ĐVSNCL; nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của đơn vị nhóm 3 và nhóm 4; giao quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công có ĐVSNCL trực thuộc; sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

PV: Xin cảm ơn bà!