Hải quan khu vực IV: Đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư
Cán bộ Hải quan Hà Nam, Hải quan khu vực IV thông quan hàng hoá cho doanh nghiệp.

PV: Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2019/QĐ-BTC về sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan hải quan đáp ứng chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025. Đến nay, tổ chức, bộ máy của đơn vị được vận hành như thế nào, thưa ông?

Hải quan khu vực IV: Đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư

Ông Trần Mạnh Hùng: Thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy ngành Hải quan, Chi cục Hải quan khu vực IV chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/3/2025, được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định. Từ ngày 1/7/2025 khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý về hải quan tại các tỉnh Hưng Yên và Ninh Bình mới (địa bàn tỉnh cũ là Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định), theo Quyết định 2019/QĐ-BTC (ngày 11/6/2025) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 382/QĐ-BTC (ngày 26/2/2025).

Chi cục Hải quan khu vực IV có trụ sở chính đặt tại tỉnh Hưng Yên, đi vào hoạt động chính thức từ ngày 1/7/2025, bao gồm 11 đơn vị thuộc chi cục; 5 đơn vị hải quan ngoài cửa khẩu: Hải quan Hưng Yên, Hải quan Thái Bình, Hải quan Hà Nam, Hải quan Nam Định, Hải quan Ninh Bình.

Từ cuối tháng 6/2025 đến nay, đơn vị đã nhanh chóng chuyển giao Hải quan Hải Dương cho Chi cục Hải quan khu vực III; tiếp nhận Hải quan Thái Bình từ Chi cục Hải quan khu vực III và tiếp nhận Hải quan Ninh Bình từ Chi cục Hải quan khu vực X.

Để đảm bảo công tác quản lý, điều hành, cũng như vận hành bộ máy hoạt động thông suốt, không để gián đoạn, ách tắc theo mô hình chính quyền 2 cấp mới, chúng tôi đã quán triệt, phổ biến, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết và triển khai ngay, nhanh chóng việc tiếp nhận, bàn giao để các đơn vị thích ứng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

PV: Trong một thời gian ngắn thực hiện sắp xếp hoạt động theo mô hình mới 2 lần, làm thế nào để hoạt động của đơn vị được vận hành ổn định, đặc biệt là công tác tạo thuận lợi thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Trần Mạnh Hùng: Trong quá trình tinh gọn, sắp xếp bộ máy theo mô hình mới và đáp ứng chính quyền địa phương 2 cấp, để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, chúng tôi bố trí nhân lực thường trực 24/24 giờ phối hợp với Ban Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Cục Hải quan) triển khai, vận hành các ứng dụng, hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo thông suốt, không ách tắc, không để ảnh hưởng đến cộng đồng người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan.

Tăng cường đối thoại hải quan, doanh nghiệp

Trong tháng 7 và 8/2025, Chi cục Hải quan khu vực IV chỉ đạo các đội Hải quan Thái Bình, Hải quan Ninh Bình, Hải quan Nam Định tổ chức các cuộc hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua các hội nghị, cơ quan hải quan trực tiếp giải đáp các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó, không ngừng cải cách hoạt động hải quan, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng...

Chúng tôi cũng thành lập các Tổ giải đáp phản ánh, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp; Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp phản ứng nhanh, khắc phục khi có sự cố về công nghệ thông tin để hạn chế tối đa thời gian gián đoạn và triển khai Hệ thống khai hải quan Ecus 6 tương thích với hệ thống VNACCS (thông quan hàng hoá tự động). Sắp xếp, bố trí đảm bảo tiêu chí 70% cán bộ công chức làm việc tại hải quan ngoài cửa khẩu để tạo thuận lợi, phục vụ tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về chế độ làm việc và quy chế phối hợp, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp, giao quyền, ủy quyền liên quan đến thực hiện nhiệm vụ được phân công của từng cấp lãnh đạo, từng đơn vị và phân công, cụ thể hóa nhiệm vụ cho cán bộ công chức đảm bảo công việc được liên tục, không gián đoạn. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp không phải tốn chi phí, thời gian đi lại để giải quyết thủ tục hành chính.

Với sự chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã làm thủ tục thông quan cho số doanh nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng 2 con số.

Cụ thể, đơn vị làm thủ tục hải quan cho 4.352 doanh nghiệp, tăng 15%; kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu đạt 34,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2025, đơn vị đã thu ngân sách đạt 5.515 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (5.515 tỷ đồng/5.327 tỷ đồng).

PV: Tỉnh Hưng Yên và Ninh Bình đã và đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với vai trò là cầu nối tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư của địa phương, đơn vị có kế hoạch cụ thể nào cho nhiệm vụ này, thưa ông?

Ông Trần Mạnh Hùng: Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là Hưng Yên tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đến từ Hoa Kỳ. Với sự hiện diện của dự án do Tập đoàn Trump đầu tư tại Hưng Yên càng cho thấy sức hút và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của địa phương trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và logistics.

Với vai trò là đơn vị trực tiếp thực hiện thủ tục hải quan và quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, đơn vị xác định rõ nhiệm vụ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các dự án FDI lớn, là nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, đơn vị đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, phấn đấu giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chí phí của doanh nghiệp.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, chúng tôi đã và đang triển khai một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các khu công nghiệp, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương, nắm bắt thông tin, tiến độ triển khai các dự án lớn như dự án Trump, từ đó chủ động bố trí nhân lực, trang thiết bị, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu. Phân công cán bộ có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn tốt, trực tiếp hướng dẫn, giải đáp thủ tục hải quan từ giai đoạn đầu tư đến khi đi vào hoạt động sản xuất.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn triển khai ban đầu của các dự án lớn…

PV: Xin cảm ơn ông!

Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo cải cách

Trong thời gian qua, Hải quan khu vực IV đã triển khai một số ứng dụng công nghệ thông tin mang lại lợi ích cho doanh nghiệp như: phần mềm đánh giá cán bộ, công chức tại Hải quan khu vực IV triển khai chính thức từ ngày 2/6/2025 tích hợp trên hệ thống khai báo hải quan để doanh nghiệp thực hiện đánh giá về thời gian, thái độ làm việc, năng lực, trình độ,… trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan của cán bộ, công chức. Có thể nói, các phần mềm và các ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tăng hiệu quả quản lý, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp của cơ quan hải quan.