Hà Nội: Dấu ấn đổi mới, phát triển
Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRPD/người đạt trên 36.000 USD. Ảnh: TL

Thu ngân sách vượt dự toán

Với vai trò đặc biệt quan trọng là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội, Hà Nội đã đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững.

Theo đó, các cân đối lớn của thành phố được bảo đảm; tăng trưởng bình quân năm 2021, 2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Bình quân 2 năm 2021-2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 5,86%, cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%); giá trị nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm tới 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp…

Thu ngân sách vượt dự toán hàng năm, cơ cấu nguồn thu theo hướng tỷ trọng thu nội địa ngày càng tăng. Giai đoạn 2021-2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 656.000 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán trung ương giao và tổng chi ngân sách khoảng 178.500 tỷ đồng, đạt 82,8% dự toán…

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP. Hà Nội, Hà Nội đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường…

Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, thành phố khẳng định nghị quyết này đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua như: tạo khuôn khổ pháp lý riêng về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách cho Thủ đô; giúp thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có;...

Đi đầu trong phân cấp, ủy quyền

Góp phần đạt những con số, kết quả ấn tượng đó, một phần là do TP. Hà Nội đã gương mẫu, đi đầu trong phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực trong việc thực hiện chủ trương của trung ương.

Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD. Về tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) là điểm sáng nổi bật của Hà Nội thời gian qua, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là đơn vị đi đầu cả nước. Đến nay, thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền cho 543/617 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 88%; 100% các TTHC sau khi được ủy quyền đều đã ban hành các quy trình nội bộ để triển khai thực hiện và tái cấu trúc, đưa vào quy trình điện tử thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố; 74 TTHC còn lại các đơn vị của thành phố đang tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực tài chính - ngân sách, phát huy những kết quả đạt được trong năm 2022, đến nay, UBND TP. Hà Nội tiếp tục ủy quyền cho UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với thửa đất có giá trị dưới 30 tỷ đồng, ủy quyền cho Sở Tài chính Hà Nội thực hiện một số quyền, trách nhiệm của UBND thành phố (cơ quan đại diện chủ sở hữu) đối với doanh nghiệp do nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ do UBND thành phố thành lập.

Hiện nay, thành phố đang xem xét phân cấp, ủy quyền một số thẩm quyền quản lý nhà nước của UBND thành phố về giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố nhằm tăng tính chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp, rút ngắn, đơn giản hóa quy trình ban hành quyết định, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố.

Đối với các công trình trọng điểm, thành phố có nhiều dự án triển khai, khởi công kịp tiến độ nhờ phân cấp, ủy quyền trong quá trình thực hiện. Ví dụ, trong tháng 6/2023, Hà Nội đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án công trình giao thông trọng điểm quốc gia, với mục tiêu đưa vào vận hành vào năm 2027. Thủ tướng Chính phủ đã ấn tượng với cách làm của Hà Nội và đánh giá: “Trung ương cấp cho Hà Nội. Hà Nội tiếp tục phân cấp cho các quận huyện, xã phường. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng…”.

Như vậy, việc phân cấp, ủy quyền bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; giúp chính sách, các quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác; rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp… Kết quả đạt được dù mới chỉ là bước đầu, nhưng đã cho thấy bước đột phá từ tư duy đến hành động của lãnh đạo thành phố.

Giai đoạn 2008 - 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của Hà Nội đạt 2,94 triệu tỷ đồng

15 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sau mở rộng địa giới hành chính (từ năm 2008 đến nay), thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn TP. Hà Nội đều hoàn thành và vượt dự toán thu được trung ương giao.

Tổng thu NSNN trên địa bàn giai đoạn 2008-2022 đạt 2,94 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 11,5%/năm. Các nguồn thu được quản lý đầy đủ và chặt chẽ; cơ cấu thu NSNN trên địa bàn có sự chuyển dịch tích cực, bền vững; tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ mức 80,5% năm 2008 lên 91,7% vào năm 2023.

Thành phố thường xuyên tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giao đất cho các chủ đầu tư, thực hiện hạch toán tiền sử dụng đất các dự án đối ứng cho các dự án BT còn đang thực hiện, qua đó góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc được quan tâm, chú trọng: khai thuế điện tử; hoàn thuế điện tử 100% trường hợp đối với hàng hóa dịch vụ xuất khẩu và dự án đầu tư...

Về tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2008 - 2022 đạt hơn 937,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,6%/năm. Thành phố tiếp tục tổ chức điều hành, chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; cơ cấu lại các khoản chi NSNN theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN…

Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chi ngân sách các cấp; quản lý, điều hành chi ngân sách bám sát dự toán được HĐND TP. Hà Nội giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.