Trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế - xã hội, Chủ tịch ASEAN 2023 – Indonesia đã đề xuất về sáng kiến nâng cao phối hợp liên bộ ngành giữa tài chính và y tế với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa hai các cơ quan nhằm tăng cường năng lực y tế khu vực, ứng phó với các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế ASEAN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HTQT

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế ASEAN là sự kiện quan trọng, mở đầu cho chuỗi hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN. Đây là lần đầu tiên khu vực ASEAN xây dựng được một khuôn khổ làm việc chung giữa lãnh đạo hai ngành.

Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, các lãnh đạo ngành tài chính và y tế các nước ASEAN đã thảo luận về 2 nội dung chính gồm: nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về “Khoảng trống tài chính của ASEAN trong ứng phó với đại dịch và các đề xuất để giải quyết khoảng trống tài chính”; cập nhật về hoạt động của Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19 và các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Trong đó, báo cáo của ADB là sáng kiến mới được Indonesia đề xuất và được các nước thành viên đồng ý thảo luận từ các cuộc họp nhóm kỹ thuật trong kênh tài chính ASEAN. Nội dung báo cáo tập trung giải quyết hai mục tiêu chính là ước tính nhu cầu y tế hiện hành và thực trạng thiếu hụt tài chính ứng phó với đại dịch hiện nay; xác định các phương pháp tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt là trong việc tài trợ cho ứng phó với đại dịch.

Báo cáo đưa ra hai nhóm khuyến nghị chính gồm: đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phòng chống đại dịch và khả năng sẵn sàng chuẩn bị (PPR), bao gồm phân bổ ngân sách chính phủ hợp lý, tăng cường quan hệ đối tác công tư và kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức đa phương; mở rộng Quỹ ứng phó Covid-19 ASEAN (CARF) thành Quỹ ứng phó với Covid-19 và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và bệnh mới nổi của ASEAN .

Tại hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đã có bài chia sẻ về tình hình chi cho lĩnh vực y tế từ ngân sách nhà nước của Việt Nam hiện nay. Theo đó, lĩnh vực y tế là một trong những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên. Năm 2022, Việt Nam chi cho y tế chiếm 4,3% tổng chi ngân sách nhà nước và chiếm 1,0% GDP.

Ngoài ra, với kinh nghiệm của Việt Nam trong giai đoạn phòng chống đại dịch Covid-19, Thứ trưởng đã chia sẻ với các đại biểu về ba bài học kinh nghiệm trong quá trình phòng chống dịch và huy động nguồn lực tài chính đáp ứng cho nhu cầu y tế tăng đột biến, đặc biệt gồm: Đối với các dịch bệnh có tính lây nhiễm cao thì hợp tác quốc tế là cực kỳ quan trọng; không một dân tộc hay quốc gia nào an toàn khi còn những dân tộc và quốc gia khác còn đang phải chống chịu với bệnh dịch.

Để có cơ sở thực hiện giải pháp huy động tổng thể nguồn lực đối phó với dịch bệnh có tác động nghiêm trọng, phạm vi rộng, mỗi quốc gia cần tạo dư địa chính sách tài khóa và sự ổn định kinh tế tài chính vĩ mô.

Y tế cơ sở, y tế dự phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng chống dịch bệnh, cần được quan tâm và tăng cường đầu tư, Việt Nam cam kết dành tối thiểu 30% chi y tế để đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Với sự nhất trí cao, các Bộ trưởng Tài chính và Y tế đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế ASEAN. Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Thông qua hội nghị, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò thành viên tích cực trong công tác hợp tác tài chính ASEAN và chia sẻ được những điểm sáng nổi bật trong công tác phối hợp liên bộ ngành của ta trong giai đoạn cả nước cùng phòng chống đại dịch Covid-19 đầy khó khăn./.