apec

Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn: APEC News)

Thảo luận 6 nội dung quan trọng

SFOM hàng năm được tổ chức trước kỳ, để thảo luận các nội dung, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC. (Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm nay dự kiến diễn ra vào giữa tháng 10/2016 tại Lima, Peru).

Bên lề SFOM, nước chủ nhà Peru cũng tổ chức hội thảo để thảo luận chi tiết về nội dung các nước đặc biệt quan tâm, cụ thể là về tài chính toàn diện và xây dựng cổng thông tin chia sẻ kiến thức về hợp tác đối tác công tư (PPP).

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị lần này có đại điện của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc tham dự đầy đủ và tích cực vào các sự kiện APEC năm 2016 cũng là bước chuẩn bị cho việc tiếp nhận vai trò chủ trì APEC năm 2017 của Việt Nam.

Chủ đề của hội nghị lần này được nước chủ nhà Peru đưa ra là “Tăng cường hiệu quả chính sách công cho một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hội nhập và năng động”, trong đó tập trung vào 6 nội dung thảo luận gồm: Đổi mới tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMP) và thực hiện Chương trình hành động CEBU (CAP); cập nhật tình hình kinh tế tài chính toàn cầu và khu vực; phát triển cổng thông tin về hợp tác công tư (PPP) và các sáng kiến về cơ sở hạ tầng khác; chính sách tài chính toàn diện, chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; dự án về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS).

Lộ trình 10 năm phát triển thị trường tài chính bền vững

Trên tinh thần thống nhất tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế APEC (tổ chức tháng 2/2016 tại thủ đô Lima của Peru), về việc tiếp tục thực hiện Chương trình hành động CEBU (CAP) do Phi-lip-pin đề xuất trong năm chủ trì APEC 2015 và đã được các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng năm 2015, SFOM lần này tiếp tục thảo luận chương trình hành động với lộ trình 10 năm nhằm mục tiêu “Xây dựng các nền kinh tế phát triển toàn diện, con đường dẫn tới bền vững tài chính”.

Kế hoạch hành động này sẽ hướng các nền kinh tế APEC tới sự hài hoà và phối hợp trong chính sách, quy định và triển khai thực hiện để khuyến khích sự tăng trưởng cân bằng, bền vững và toàn diện của toàn khu vực.

Bên cạnh đó, SFOM cũng thảo luận và cơ bản nhất trí việc hoàn thiện hơn nữa cơ chế trao đổi và hợp tác trong APEC theo hướng hiệu quả hơn và tăng cường tầm ảnh hưởng và phối hợp của APEC với các diễn đàn hợp tác khác.

Thảm họa thiên tai vào chương trình nghị sự

Nhận thấy thảm họa thiên tai là một thách thức lớn cho chính sách ở nhiều nước trên thế giới, hội nghị thảo luận các chính sách cần được cân nhắc kỹ lưỡng về tính hiệu quả để đưa ra các giải pháp ngăn ngừa rủi ro, nâng cao nhận thức cộng đồng, hay các công cụ chuyển giao rủi ro như bảo hiểm, tái bảo hiểm để giải quyết chi phí sau thiệt hại từ thảm họa thiên nhiên như: bão, lũ lụt. Các tổ chức quốc tế cũng chia sẻ những nghiên cứu và kinh nghiệm về nội dung này.

Đối với nội dung cập nhật tình hình kinh tế tài chính toàn cầu và khu vực, hội nghị đã nghe báo cáo của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chia sẻ những nghiên cứu về vấn đề kinh tế toàn cầu và khu vực; trong đó tập trung vào các nội dung thương mại và cơ hội cho các vấn đề cải cách, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đầu tư nguồn nhân lực ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Theo báo cáo của IMF, kinh tế toàn cầu chững lại do tác động của tình hình kinh tế Trung Quốc, giá hàng hóa giảm mạnh cũng như những công cụ chính sách tài chính thắt chặt hơn và không ổn định.

Tuy nhiên, châu Á sẽ tiếp tục là khu vực phát triển năng động trên thế giới. Kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định trong khi đó tăng trưởng Trung Quốc đang chậm lại và vẫn trong quá trình tái cấu trúc cơ cấu tăng trưởng.

Các nền kinh tế thành viên APEC nhìn chung phục hồi chậm và tăng trưởng vẫn ở mức vừa phải tuy nhiên với mức độ khác nhau giữa các nước thành viên. Tại hội nghị, các quan chức của các nền kinh tế thành viên cũng chia sẻ về tình hình và kinh nghiệm trong thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô của nước mình.

Sáng kiến Tài chính toàn diện

Hội nghị cũng thảo luận về khả năng ký kết trong tương lai Hiệp định hợp tác giữa các nền kinh tế APEC với trung tâm hạ tầng toàn cầu (Global infrastructure Hub), nhằm thiết lập cổng thông tin về hợp tác công tư (PPP), đồng thời thảo luận chương trình hành động để xây dựng cổng thông tin này.

Các thông tin sẽ được cung cấp trên cổng thông tin này bao gồm: Thực tiễn về hoạt động PPP của các nước; các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP do các nước thành viên APEC thực hiện; đường dẫn đến các công ty tư nhân, các chuyên gia tư vấn làm việc cho các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP; và Các công cụ về tài chính, pháp lý và công cụ giảm thiểu rủi ro cho khu vực công và khu vực tư nhân đối với các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực APEC.

Một nội dung quan trọng được thảo luận đó là sáng kiến về Tài chính toàn diện (financial inclusion) trong APEC. Sáng kiến này được khởi xướng từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 17 tổ chức tại Ky-ô-tô, Nhật Bản tháng 11/2010. Mục tiêu chính của Tài chính toàn diện là giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho các đối tượng khó khăn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của toàn bộ các khu vực trong nền kinh tế.

Một số nội dung cụ thể đang được thảo luận trong APEC bao gồm: Cải thiện việc tiếp cận dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển các phương thức tiếp cận dịch vụ tài chính mới, như cung cấp dịch vụ mobile banking, đại lý ngân hàng không chi nhánh; phổ cập kiến thức tài chính cho các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp; xây dựng chiến lược tài chính toàn diện./.

Thu Huyền (từ Trujillo, Peru)