Kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết

Ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2013. Theo đánh giá của Chính phủ tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện. Lạm phát 10 tháng tăng 5,14%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Dư nợ tín dụng đến 23/10 tăng 6,48%, lãi suất tiếp tục ổn định. Xuất khẩu tăng trưởng trên 15%, nhập siêu bằng 0,17% kim ngạch xuất khẩu. Vốn FDI đăng ký 10 tháng đạt hơn 19,23 tỷ USD, tăng 65,6%, vốn thực hiện đạt 9,58 tỷ USD, tăng 6,4%. Sản xuất tiếp tục phục hồi, số DN đăng ký thành lập mới 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ, có khoảng 11,75 nghìn DN hoạt động trở lại…

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá nền kinh tế phục hồi chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, chưa vững chắc, dư nợ tín dụng tăng chậm, nợ xấu cao. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế. Nhu cầu yếu, cân đối ngân sách khó khăn.

Trong 2 tháng cuối năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành không chủ quan đối với lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư xã hội, tăng dư nợ tín dụng, xử lý nợ xấu. Phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 5,4%.

Bộ Tài chính, các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt, làm tốt nhiệm vụ thu ngân sách, phấn đấu đạt kế hoạch, chống thất thu, nợ đọng, gian lận thuế, đặc biệt là hoàn thuế VAT, đồng thời triệt để tiết kiệm chi, rà soát, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết.

Trong buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ sau đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tinh thần chung của Chính phủ là triệt để tiết kiệm. Đầu tư công trình vẫn cần, nhưng vốn phải sử dụng sao cho tiết kiệm nhất. Lãng phí không phải chỉ do thất thoát trực tiếp mà còn ở chủ trương đầu tư. Đầu tư đúng thì tiết kiệm, đầu tư không đúng, dàn trải là lãng phí.

Cũng tại buổi họp báo này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên về những vấn đề thời sự đang được dư luận quan tâm.

BT VDD
Bộ trưởng Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo chiều 26/10. Ảnh: H.Y

“Không nên nghĩ ngay đến việc từ chức...”

Trả lời câu hỏi về việc Bộ trưởng Bộ Y tế có nên từ chức sau những vụ việc gây bức xúc vừa qua trong ngành y, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng không phải cứ xảy một sự việc cụ thể thì một Bộ trưởng phải nghĩ ngay đến việc từ chức hay không. Điều đầu tiên phải nghĩ là tại sao như vậy, do chủ quan hay khách quan, do thời kì mình chỉ đạo hay do nhiều thời kì dồn lại? Và điều quan trọng nhất là cần có quyết tâm và lộ trình ngăn chặn những việc tương tự.

“Điều quan trọng nhất khi đảm đương một cương vị được Đảng phân công, được Quốc hội phê chuẩn là làm hết trách nhiệm, làm hết tâm sức của mình”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Về vấn đề cắt giảm chi tiêu công, đặc biệt là chi thường xuyên, Bộ trưởng cho biết tinh thần chung của Chính phủ là triệt để tiết kiệm. Đầu tư công trình vẫn cần, nhưng vốn phải sử dụng sao cho tiết kiệm nhất. Lãng phí không phải chỉ do thất thoát trực tiếp mà còn ở chủ trương đầu tư. Đầu tư đúng thì tiết kiệm, đầu tư không đúng, dàn trải là lãng phí.

Theo Bộ trưởng, trên 60% tổng chi ngân sách là chi cho sự nghiệp, trong đó hơn một nửa là chi cho lương. Dù cắt giảm chi tiêu nhưng lương thì ai cũng muốn tăng. Tuy nhiên, Nhà nước có lộ trình tăng lương ở mức hợp lý trong khả năng. Còn lại chi cho hành chính chiếm tỷ trọng rất thấp so với lương.

Hiện Bộ Tài chính đang cùng các bộ đang phân tích đánh giá kỹ về việc khoán chi phí để trình Chính phủ. Chính phủ cũng yêu cầu từng bộ lên rõ kế hoạch cắt giảm chi tiêu cụ thể.

Không có chuyện GDP tính theo tỉnh

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân việc tốc độ tăng GDP của 63 tỉnh thành cao hơn nhiều so với GDP cả nước, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết không có khái niệm GDP cho từng tỉnh mà chỉ có khái niệm GDP cho một nền kinh tế hoàn thiện. Số liệu ở tỉnh không thể gọi là GDP. Về việc này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chỉ đạo Tổng cục Thống kê làm rõ, chấn chỉnh hệ thống thống kê về số liệu.

Bộ trưởng cũng lưu ý bên cạnh số liệu trong hệ thống thống kê của Nhà nước, còn có số liệu là số liệu điều hành, do các sở, ban, ngành tập hợp lên để điều hành có sự chỉ đạo. Vì thế, cần có sự phân biệt rõ khi phản ánh thông tin trên báo chí.

Về câu chuyện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN, Bộ trưởng cho biết để giải quyết vấn đề này cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều chính sách, từ vốn, thuế, đến thị trường chứng khoán. Thoái vốn theo nguyên tắc thị trường nhưng phải “có lùi, có tiến”. Không thể vì bức xúc mà phải thoái vốn bằng mọi giá để làm thất thoát tài sản nhân dân, gây rối loạn thị trường. Một khi sản xuất, kinh doanh được phục hồi, thị trường ấm lên, việc thoái vốn sẽ tiến hành.

Hoàng Yến