Vướng thủ tục làm kéo dài thời gian thông quan

Đầu tháng 9/2021, nhóm thân hữu Sydney và Công ty sữa Nutrico (quốc tịch Úc) đã gửi về Việt Nam một lô hàng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, để viện trợ thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Để làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh đã làm công văn xin hướng dẫn đến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y.

Đầu tháng 11, Cục An toàn thực phẩm có công văn trả lời hướng dẫn về thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm với nhóm hàng nhập khẩu dành cho mục đích biếu tặng thuộc thẩm quyền Thủ tướng/Chính phủ, chứ không khẳng định cụ thể hàng được miễn kiểm tra hay không. Điều này đã được đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (đoàn TP. Hồ Chí Minh) phản ánh trên nghị trường trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng ngày 9/11.

Với phần trả lời của Cục An toàn thực phẩm, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan báo cáo về lô hàng. Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh để hướng dẫn thủ tục liên quan đến lô hàng và cho đưa hàng hóa về bảo quản, đảm bảo chất lượng, trong khi chờ thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm để thông quan.

Ngày 14/11/2021, Cục An toàn thực phẩm thông báo kết quả kiểm tra lô hàng nêu trên do Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh thực hiện đạt theo quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh đã đăng ký tờ khai cho lô hàng lúc 11 giờ ngày 15/11/2021 và lô hàng đã được cơ quan hải quan thông quan theo đúng quy định vào lúc 15 giờ cùng ngày.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường lô hàng sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu từ Úc chiều 12/11. Ảnh: Hải quan TP. Hồ Chí Minh
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường lô hàng sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu từ Úc chiều 12/11. Ảnh: Hải quan TP. Hồ Chí Minh

Phân tích từ vụ việc này, ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, sữa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế, khi làm thủ tục cơ quan Hải quan sẽ căn cứ vào giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm do cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế cấp để thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh một số vướng mắc làm kéo dài quá trình thông quan.

Theo Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, có 9 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Lô hàng sữa hộp viện trợ này không thuộc đối tượng được miễn kiểm tra, trừ trường hợp được Chính phủ, Thủ tướng cho phép nhập khẩu để phục vụ yêu cầu khẩn cấp và cũng theo quy định tại Điều 6, 7, 8 của Nghị định thì mặt hàng sữa dành cho trẻ em đến 36 tháng tuổi phải thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm. Người nhập khẩu phải thực hiện đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định và nộp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm do cơ quan này cấp để được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan hàng hóa.

Việc thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm như trên được thực hiện cho từng doanh nghiệp; không áp dụng đối với hàng hóa cùng loại, cùng tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất hàng hóa, chất liệu bao bì của các doanh nghiệp khác đã nhập khẩu trước đó. Điều này đã làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa.

“Tối thiểu hóa” quy trình

Hiện nay, Bộ Tài chính (cụ thể là Tổng cục Hải quan) đã xây dựng dự thảo nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ông Đào Duy Tám cho hay, dự thảo này đang hướng tới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Cơ quan hải quan cũng xây dựng theo hướng ứng dụng đầy đủ công nghệ thông tin thực hiện các thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục hành chính khi thực hiện khai, toàn bộ thông tin sẽ gửi qua hệ thống và cơ quan quản lý nhà nước khi tiếp nhận và xử lý thông tin sẽ trả kết quả trên Cơ chế một cửa quốc gia, cũng như ứng dụng cơ chế quản lý rủi ro, áp dụng chính sách kiểm tra nhà nước theo mặt hàng, không theo doanh nghiệp.

Theo dự thảo, các mặt hàng dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, đặc biệt là sữa dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm và cấp mã số đăng ký một lần bởi nhà nhập khẩu đầu tiên.

Đối với mặt hàng cùng loại, cùng tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất hàng hóa, chất liệu bao bì với hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố sản phẩm, các nhà nhập khẩu tiếp theo không cần phải thực hiện lại thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm mà được sử dụng mã số đăng ký bản công bố sản phẩm để được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.

Mã số đăng ký bản công bố sản phẩm được công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để các doanh nghiệp tra cứu và làm thủ tục thông quan.

Nhiều mặt hàng cũng phát sinh vướng mắc kiểm tra chuyên ngành

Theo ông Đào Duy Tám, không chỉ mặt hàng sữa, mà một số mặt hàng thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm khác cũng phát sinh vướng mắc tương tự.

Vì bất cập đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.