Kiều bào mong muốn đóng góp xây dựng TP. Hồ Chí Minh được nhiều hơn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Gia Cư

Hơn 400 kiều bào xin đăng ký thường trú, hồi hương

Phát biểu tại hội nghị gặp gỡ kiều bào hồi hương, thân nhân kiều bào với chủ đề: “Trở về quê hương, đóng góp xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh - hiện đại - nghĩa tình” sáng ngày 7/9, do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh tổ chức, ông Võ Thành Chất - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh cho biết, ước tính hiện có hơn 2 triệu kiều bào, chiếm khoảng 40% đồng bào ta ở nước ngoài có xuất thân hoặc có liên hệ với TP. Hồ Chí Minh.

Dù với nguồn gốc, xuất thân khác nhau, lý do ra nước ngoài khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, đã tác động tích cực thu hút đông đảo bà con kiều bào hướng về quê hương, cội nguồn, tích cực giúp đỡ thân nhân, gia đình trong nước. Đặc biệt là giới trí thức, doanh nhân kiều bào đã về nước, về thành phố từ rất sớm, trực tiếp tham gia các đề án, chương trình hợp tác, đầu tư hoặc vận động cộng đồng, vận động và làm cầu nối hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển đất nước, phát triển thành phố.

Theo ông Chất, từ năm 2018 đến tháng 8/2022, có hơn 400 đồng bào ta ở nước ngoài xin đăng ký thường trú, được hồi hương, trong đó đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho hơn 350 trường hợp.

Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nhiều quốc gia trên thế giới, như: Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Úc, Canada, Nhật Bản, Bỉ, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Nauy, Áo, Singapore… về đầu tư kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, làm việc dài hạn tại thành phố.

Hiện nay, có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư, với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu… Điển hình là bà Phan Thị Hường - doanh nhân kiều bào Thái Lan, đã có đóng góp cho Việt Nam từ những năm 1999 bằng công nghệ nuôi trồng thủy sản, giúp cho sản phẩm đạt năng suất, chất lượng. Ngoài ra, doanh nghiệp của bà cũng đang có công nghệ tàu cao tốc - là một công nghệ dùng năng lượng sạch, đảm bảo môi trường và tính kinh tế.

"Chúng tôi mong muốn chính quyền TP. Hồ Chí Minh tạo cơ hội cho chúng tôi trình bày về hiệu quả, tính tích cực trong công nghệ mới mà chúng tôi chuẩn bị triển khai về tàu cao tốc. Tàu cao tốc này vận chuyển hàng, hành khách với công nghệ tích lũy năng lượng sạch xanh tự nhiên, không cần sử dụng năng lượng dầu, điện để bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên hiện nay" - bà Phan Thị Hường đề xuất.

Trước đó, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ. Đồng thời, thành phố có chính sách tiền lương, phụ cấp tương xứng khi ký kết hợp đồng lao động với các cơ quan nghiên cứu khoa học; hướng dẫn quy trình, thủ tục tuyển chọn, bố trí, bổ nhiệm chức danh, sử dụng…, tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia, trí thức kiều bào làm việc.

Chấm dứt ngộ nhận về hai quốc tịch

Qua công tác tiếp đón và giải quyết thắc mắc của kiều bào, thân nhân kiều bào, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh nhận thấy, phần đông đồng bào quan tâm một số vấn đề như: thủ tục hồi hương - thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam cho người Việt Nam ở nước ngoài; thủ tục xin cấp giấy xác nhận người gốc Việt.

Một số kiều bào rời quê hương từ rất lâu quan tâm đến quốc tịch, về quyền lợi và nghĩa vụ (nếu có) khi vận chuyển hàng hóa, tài sản từ nước ngoài về Việt Nam khi hồi hương, một số người cũng quan tâm đến các quy định pháp luật liên quan đến mua nhà, sở hữu bất động sản, vận chuyển hàng hóa về nước, quốc tịch...

Thượng tá Võ Chiến Thắng - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. Hồ Chí Minh cho hay, thường trú thì phải đảm bảo điều kiện cư trú theo điều luật quy định. “Thứ nhất là công dân có quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp của mình thì khi về. Kiều bào đăng ký chỗ ở hợp pháp đó. Hiện nay, theo quy định mới, kiều bào đã được mua nhà ở Việt Nam. Do vậy, nếu chúng ta mua nhà đứng tên luôn thì nhập hộ khẩu rất nhanh, gọn. Trường hợp thứ hai là công dân được đăng ký chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình, với điều kiện chủ hộ đồng ý cho mình ở…” - Thượng tá Võ Chiến Thắng nói.

Kiều bào mong muốn đóng góp xây dựng TP. Hồ Chí Minh được nhiều hơn

Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh trao bằng khen của UBND Thành phố cho các kiều bào có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Gia Cư

Ông Nguyễn Triều Lưu - Trưởng phòng Hộ tịch quốc tịch, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, lưu ý thêm, để có nhận thức một cách thống nhất về nguyên tắc một quốc tịch của Việt Nam, chúng ta hiểu rằng, một người công dân quan hệ với Việt Nam thì chỉ với một quốc tịch Việt Nam mà thôi.

“Không thể có tình trạng: khi đòi hỏi quyền lợi thì nói tôi là công dân Việt Nam, nhưng khi chịu trách nhiệm vấn đề về pháp lý nào đó thì nói tôi là người nước ngoài. Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2020/NĐ-CP có các quy định nhằm chấm dứt sự ngộ nhận về hai quốc tịch. Theo đó, công dân Việt Nam có quyền có quốc tịch nước ngoài, nhưng quan hệ với Chính phủ Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam mà thôi” - ông Lưu nhấn mạnh./.

Theo quy định, người nước ngoài hoặc công dân nước ngoài muốn xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có thẻ thường trú ở Việt Nam 5 năm do cơ quan công an cấp, phải biết tiếng Việt đủ để hoà nhập, sinh hoạt, có điều kiện kinh tế và chấp hành pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, có trường hợp được miễn khi người xin nhập tịch có vợ, chồng người Việt Nam, được cấp thẻ thường trú.