Cơ quan báo chí đứng trước thách thức suy giảm nguồn thu

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Hầu hết các đài truyền hình đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trong 1 ngày trên kênh, chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo.

Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Anh

Bao in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí, đối với một số cơ quan báo chí là trên 90%.

Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.

"Hiện tại các cơ quan báo chí đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay.

Hội nghị diễn ra 3 phiên gồm: Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam. Đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số. Bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.

Lãnh đạo cơ quan báo chí, các nhà báo, các nhà nghiên cứu đào tạo nhân lực báo chí đã làm rõ những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam. Những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam.

Tạo không gian mới cho báo chí tồn tại phát triển

Đề cập đến giải pháp tồn tại và phát triển của báo chí, lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.

Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số
Ông Lê Quốc Minh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Anh

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu cho hay, mỗi cơ quan báo chí hãy tìm ra phân khúc, sức mạnh của mình để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp. Nhìn chung, không có mô hình kinh doanh nào là đúng với tất cả mọi cơ quan báo chí, nhưng nếu biết tận dụng lợi thế của mình thì sẽ mang lại hiệu quả.

PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời, xây dựng các nền tảng số Việt Nam, để Việt Nam không bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài. Từ đó có thể tạo ra nguồn thu kinh tế từ phát triển thông tin trên nền tảng chuyển đổi số báo chí.