Kinh tế phục hồi và tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được nâng lên
Nguồn: Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024. Đồ họa: Phương Anh

Quy mô nền kinh tế tăng lên khoảng 430 tỷ USD

Đây là những nhận định khái quát về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 được nêu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, diễn ra sáng 5/1, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định", châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 2 trong số 62 nước được nâng hạng. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2022.

Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn kinh tế. Dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tại hội nghị, sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024. Theo báo cáo, năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,05%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỷ USD; xuất siêu khoảng 28 tỷ USD (nhiều nhất từ trước đến nay), góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% so với năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, năm 2023, tỷ trọng kinh tế số ước đạt khoảng 16,5% GDP, là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022-2023).

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới trong cách chỉ đạo, cách làm. Năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; đã trình Quốc hội thông qua 16 luật, 29 nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật.

Đặc biệt, theo báo cáo năm 2023, toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát triển, được quốc tế công nhận. Việt Nam lần thứ 2 là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới.

Trong năm, các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%. Công tác giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng, được quốc tế đánh giá cao; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1% (hiện còn 2,93%).

Năm 2024 có thể khó khăn hơn năm 2023

Kinh tế phục hồi và tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được nâng lên

Theo các gợi mở, định hướng của Thủ tướng, các đại biểu tham dự hội nghị đã trình bày các báo cáo, nêu các ý kiến đánh giá về bối cảnh tình hình năm 2023, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời dự báo tình hình, đề ra định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024; góp ý kiến vào 2 dự thảo Nghị quyết 01 và 02 năm 2024 của Chính phủ.

Sau khi lắng nghe các báo cáo, ý kiến được nêu, phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, các báo cáo, ý kiến đều thống nhất cao đánh giá năm 2023 kinh tế phục hồi và tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người cao hơn năm 2022, an ninh quốc phòng được bảo đảm…

Nguyên nhân đạt được những kết quả nói trên, theo Thủ tướng, là nhờ sự lãnh đạo của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa chính quyền và HĐND các cấp; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, song Thủ tướng cũng lưu ý không được chủ quan, thỏa mãn, nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Cụ thể như: sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng; thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy đã được tập trung xử lý những vướng mắc, có bước phục hồi nhưng còn tiềm ẩn rủi ro.

Về năm 2024, Thủ tướng cơ bản thống nhất với báo cáo và các ý kiến phát biểu về dự báo tình hình năm 2024 - năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong đó nhận định tình hình tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023.

Để hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra cho năm 2024, Thủ tướng đã nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó trước tiên là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược; trình ban hành các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội; phấn đấu năm 2024 hoàn thành ít nhất 130.000 căn; phát triển mạnh các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

BÀ NGUYỄN THỊ HƯƠNG - TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ:

Đầu tư công, nông lâm nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng cho 2024

Kinh tế phục hồi và tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được nâng lên

Dự báo về những động lực tăng trưởng cho năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực của năm 2023. Khu vực công nghiệp và xây dựng dự báo tiếp tục gặp nhiều thách thức trước bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo phục hồi chậm. Thị trường bất động sản suy giảm tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất có liên quan. Tuy nhiên, nhiều dự án đầu tư công được đẩy mạnh trong năm 2024 cũng sẽ góp phần cho tăng trưởng của nước ta trong năm tới.

Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch v.v.. Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định.

Một yếu tố quan trọng nữa là năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021 - 2025. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

TS. LÊ XUÂN SANG - PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ VIỆT NAM:

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt 6,3 - 6,5%

Kinh tế phục hồi và tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được nâng lên

TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định năm 2024, nhìn chung các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng sẽ trở nên mạnh và rõ ràng hơn. Việc Mỹ và các nước phát triển có dấu hiệu ngừng tăng lãi suất và xác suất giảm lãi suất trở nên lớn hơn, nhất là triển vọng "hạ cánh" từ từ, an toàn của Mỹ càng rõ ràng hơn là những tín hiệu tích cực cho nhiều nước, đặc biệt là Việt Nam.

Tình hình giá cả nhìn chung đã ổn định hơn, nhất là giá dầu. Xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng trưởng dương và lớn dần trong 3 tháng cuối năm. GDP trong năm cũng tăng dần khá rõ rệt. Thị trường bất động sản cũng có nhiều dấu hiệu tích cực dần, nhất là ở bên cung. Mức lãi suất ngân hàng cũng đã khá thấp. Đặc biệt, kỳ vọng của nhà đầu tư quốc tế, trong nước hiện đang tương đối khả quan hơn, nhất là khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã đánh giá kinh tế Việt Nam với triển vọng tích cực.

Mặc dù vậy, vẫn có những yếu tố rủi ro, như khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ, EU kiên định mục tiêu giảm lạm phát về mức 2% năm và tăng lãi suất, nhất là khi hiện tượng El Nino có thể khiến mức lạm phát của Mỹ tăng/không giảm như dự kiến. Xung đột ở Ukraine và Trung Đông bùng phát mạnh hơn và trên diện rộng khiến giá dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác tăng mạnh...

Tuy nhiên, đánh giá chung, TS. Lê Xuân Sang cho rằng yếu tố tích cực nhiều hơn so với tiêu cực, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục với các tín hiệu tích cực từ xuất khẩu, đầu tư công, thu hút FDI… Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 trong kịch bản cao nhất có thể đạt 6,3 - 6,5%.