Kỳ vọng lớn từ sự cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật hải quan
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

Cải thiện mức độ tuân thủ

Từ khi thí điểm cho đến nay, cơ quan hải quan đã ký kết biên bản ghi nhớ với 295 doanh nghiệp (DN) tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Qua triển khai, mức độ tuân thủ của nhiều DN thành viên có sự cải thiện so với thời điểm trước khi tham gia Chương trình, cũng như duy trì mức độ tuân thủ ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Trong đó có 101 DN nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, 4, 5 (mức 4: tuân thủ thấp; mức 5: không tuân thủ) lên mức 2, 3, 4, chiếm 36,2% do không phát sinh vi phạm trong quá trình tham gia hoặc vi phạm của DN đã quá thời gian đánh giá; 147 DN giữ mức độ tuân thủ, chiếm 50,86% (trong đó DN tuân thủ mức 2, mức 3 là 120 DN chiếm 43,01%). Như vậy, mức tuân thủ của DN thành viên tăng mức độ tuân thủ và giữ nguyên mức độ tuân thủ (mức 2, mức 3) đạt 80% trên tổng số DN tham gia chương trình.

Tờ khai luồng Xanh, luồng Đỏ giảm

Tình hình phân luồng tờ khai của các DN thành viên đang có cải thiện so với trước khi tham gia chương trình. Tỷ lệ tờ khai luồng Xanh tăng 6,16%; tờ khai luồng Vàng giảm 5,61% và tờ khai luồng Đỏ giảm 0,55%. Tương tự, đối với hàng hóa nhập khẩu, tờ khai luồng Xanh tăng 14,42%; tờ khai luồng Vàng giảm 13,73%; tỷ lệ tờ khai luồng Đỏ giảm 0,69%. Số tờ khai luồng Xanh tăng, ngược lại luồng Vàng, luồng Đỏ giảm là do có sự cải thiện về mức độ tuân thủ pháp luật của 101 DN thành viên (chiếm 136% so với thời điểm trước khi triển khai chương trình). Tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa giảm giúp cho DN tiết kiệm kinh phí và giảm thời gian thông quan.

Để nâng mức độ tuân thủ của DN, căn cứ vào nội dung kế hoạch hành động, tình hình thực tế hoạt động DN, các cục hải quan địa phương đã có những cách làm hay, phù hợp. Qua ghi nhận có thể thấy, các Cục Hải quan: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… đã chủ động rà soát việc nợ lệ phí và thông báo ngay cho DN để hoàn thành kịp thời việc nộp lệ phí theo quy định, qua đó góp phần nâng cao mức độ tuân thủ của DN.

Cục Hải quan Bình Dương đã căn cứ vào tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của DN, thông báo cho DN yêu cầu về số lượng tờ khai cần phải duy trì hoặc cần đạt được để giữ mức độ tuân thủ ở mức cao hoặc nâng cao mức độ tuân thủ của DN.

Còn tại Cục Hải quan Quảng Ninh, ngoài tham gia nhóm chuyên trách của Tổng cục Hải quan, Cục đã thành lập Tổ chuyên trách để trao đổi, nắm bắt thông tin triển khai thông suốt, khoa học. Tại các chi cục hải quan cửa khẩu phân công công chức chuyên quản, cá thể hóa trách nhiệm để công chức chủ động hỗ trợ, giúp DN thành viên cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật.

Là đơn vị tiên phong triển khai thí điểm, sau 4 đợt đánh giá, hiện nay, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã ký biên bản với 17 DN và nhiều DN đã tăng mức độ tuân thủ sau khi tham gia Chương trình. Cụ thể, có 4/17 DN tăng mức độ tuân thủ (chiếm khoảng 23,5%) và 11 DN giữ nguyên mức độ tuân thủ ở mức cao (khoảng 64,7%).

Để đạt được những kết quả nêu trên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động gửi các DN tham gia và thông báo định kỳ về tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, tình hình vi phạm pháp luật hải quan và đưa các khuyến nghị tác động đến mức độ tuân thủ của DN nhằm nâng cao hiệu quả tuân thủ của DN, đồng thời khai tuyên truyền thông qua nhiều hình thức nhằm khuyến khích, vận động DN tham gia.

Nhiều phản hồi tích cực

Kỳ vọng lớn từ sự cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật hải quan
Hải quan Móng Cái trao Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ. Ảnh: Đỗ Quang.

Với những kết quả đã đạt được, Chương trình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng DN khi được hưởng các lợi ích trong việc được giảm tỷ lệ kiểm tra, hỗ trợ làm thủ tục hải quan thuận lợi, chủ động phòng tránh các vi phạm trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.

Thêm vào đó, các DN đều nhận thấy, việc tham gia Chương trình đưa quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan và DN trở thành đối tác tin cậy, các DN không ngừng lan tỏa những lợi ích của Chương trình đến với các đối tác, DN xuất nhập khẩu khác. Đồng thời, cũng giúp DN trong việc quản lý, kiểm soát tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của mình, chủ động phòng tránh vi phạm. Đây chính là yếu tố tiên quyết để nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật của DN.

Về phía hải quan đã giúp DN tham gia chương trình hạn chế sai sót trong khai báo, giảm thiểu thời gian thông quan hàng hoá (luồng xanh thông quan trong vòng 3 giây, luồng vàng không quá 10 phút), giảm chí phí lưu kho lưu bãi.

Mặc dù chưa bố trí khu vực riêng theo yêu cầu của chương trình, tuy nhiên các DN khi gặp vướng mắc cần hỗ trợ, đều được cơ quan hải quan ưu tiên hỗ trợ. Đó cũng là một trong số những chính sách tạo thuận lợi của chương trình. Tới đây, khi triển khai chính thức chương trình, Tổng cục Hải quan hướng đến tăng thêm số lượng DN tham gia chương trình.

Trước băn khoăn của các DN thành viên về việc có được tham gia khi chương trình chuyển từ giai đoạn thí điểm sang chính thức, lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro khẳng định: Các DN thành viên tham gia chương trình thí điểm tiếp tục được cơ quan hải quan ưu tiên, lựa chọn để triển khai chính thức Chương trình hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

ÔNG TRẦN ĐỨC HÙNG - CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN BẮC NINH: Tiền đề để tiếp tục chuẩn hóa các thủ tục hành chính

Kỳ vọng lớn từ sự cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật hải quan

Việc tham gia Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, các DN vừa có lợi ích, vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật, bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá lại thực trạng, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ, từ đó có kế hoạch cụ thể để từng bước cải thiện, nâng mức tuân thủ.

Trong quá trình triển khai, Cục Hải quan Bắc Ninh sẽ tổng kết những kết quả cụ thể đạt được, đồng thời tổ chức đánh giá hiệu quả mang lại cho cơ quan hải quan và cộng đồng DN; qua đó báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan mở rộng số lượng DN tham gia trong thời gian tiếp theo. Đây là một trong những tiền đề giúp đơn vị tiếp tục chuẩn hóa các thủ tục hành chính và cam kết tạo thuận lợi thương mại, tiến tới triển khai hải quan số, hải quan thông minh.

ÔNG ĐỖ THANH QUANG - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN TP. HỒ CHÍ MINH: Có phần mềm riêng để tương tác giữa hải quan và doanh nghiệp

Kỳ vọng lớn từ sự cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật hải quan

Để đạt được mục tiêu của chương trình, cần phải áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý điều hành nhằm cải cách hiện đại hóa phương thức làm việc. Theo đó, cần nghiên cứu và phát triển một phần mềm riêng về chương trình để tương tác giữa Hải quan và DN, tạo điều kiện cho phép DN thành viên có thể tự tra cứu các thông tin đang được cơ quan hải quan cung cấp theo từng quý tại thông báo định kỳ thông tin về tình hình hoạt động của công ty như: Số lượng tờ khai, loại hình, kim ngạch, mức độ và nguyên nhân DN xếp vào mức độ tuân thủ hiện tại...

Điều này không những giúp cho DN có thể kịp thời kiểm soát hạn chế rủi ro trong nội bộ DN mà còn chủ động điều chỉnh, khắc phục các sai sót, vi phạm thông qua trong việc thực hiện thông báo định kỳ cho DN.

Còn về các công ty kinh doanh kho, cảng cần phối hợp với cơ quan hải quan để có cơ chế ưu tiên cửa riêng, line riêng, xếp dỡ hàng hoá nhanh chóng, giảm tối đa thời gian giao nhận hàng cho DN do chiếm phần lớn thời gian trong thông quan hàng.