Lãi suất huy động tăng nhanh - áp lực rủi ro cho hoạt động của các ngân hàng?
Ảnh: Minh họa

PV: Từ đầu năm 2022 đến nay, diễn biến thị trường tiền gửi có sự thay đổi nhanh chóng, với lãi suất tăng nhanh. Vậy, như ông quan sát thì các ngân hàng thương mại đã có những lộ trình thay đổi, thích ứng như thế nào để tăng lãi suất huy động?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Năm 2021, trong bối cảnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, mức tăng trưởng tiền gửi và lãi suất rất thấp. Tuy nhiên, bước sang năm 2022 diễn biến thị trường tiền gửi có sự thay đổi nhanh chóng. Từ đầu năm 2022 đến nay, lãi suất tiền gửi đã tăng trung bình khoảng 0,5-1 điểm phần trăm cho kỳ hạn 6-12 tháng so với cuối năm 2021 do dịch Covid -19 được kiểm soát, nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu vốn tăng mạnh nên các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động.

Những tháng đầu năm, đặc biệt là quý II/2022, chúng ta đã chứng kiến sự chững lại của các kênh đầu tư như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… Chỉ trong thời gian ngắn, chỉ số VN-index đã lao dốc từ 1430 điểm xuống còn dưới 1.200 điểm, nhiều nhà đầu tư chứng khoán bán cổ phiều chuyển tiền sang trú ẩn tạm thời trong hệ thống ngân hàng để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt để đảm bảo sự minh bạch và phát triển bền vững. Tương tự, thị trường bất động sản bắt đầu hạ nhiệt do nhiều chính sách mới được ban hành. Tuy vậy, những thị trường này vẫn còn hấp dẫn các nhà đầu tư cũng là lý do để các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để thu hút dòng tiền từ các kênh đầu tư này.

Trên thực tế, lãi suất tiết kiệm tại quầy của nhiều ngân hàng đã tăng ở cả kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài. Mức lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn 1-3 tháng dao động từ 3-4%/năm, kỳ hạn 6 tháng khoảng từ 4 - 6,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng từ 5,5- 8,3%/năm tùy từng ngân hàng.

Như vậy, trong những tháng đầu năm 2022, lãi suất huy động đã được nhiều ngân hàng điều chỉnh theo hướng tăng mạnh nhằm thu hút lượng tiền nhàn rỗi trên thị trường để chuẩn bị cho nhu cầu tín dụng từ nay đến cuối năm.

Các số liệu thống kê cho thấy, nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tín dụng tăng nhanh khi các doanh nghiệp chuyển dịch huy động vốn từ tín dụng trái phiếu sang tín dụng ngân hàng và tín dụng tiêu dùng tăng trưởng trở lại (dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể đạt 14 -15%), nên các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền nhàn rỗi nhằm tăng thanh khoản cho vay để đáp ứng nhu cầu vay vốn của 6 tháng cuối năm 2022.

PV: Vậy thực trạng trên liệu có tạo thêm áp lực lạm phát và cạnh tranh vốn trên thị trường? Ông có thể dự báo mức độ, tác động diễn biến thị trường tiền tệ trong 6 tháng cuối năm?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến khó lường, xung đột Nga - Ukraine kéo dài dẫn đến khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực làm cho giá xăng dầu, khí đốt, phân bón, lương thực tăng, kéo theo mặt bằng giá cả tăng cao.

Ở nhiều nước trên thế giới, lạm phát đang đang tăng lên rất cao. Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua khoảng 8,5%; châu Âu khoảng 7,4 % (cao nhất trong 30 năm). Với nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, ảnh hưởng bởi tình hình biến động của giá cả thế giới không thể tránh khỏi.

Thực tế đã cho thấy, giá cả nhiều loại hàng hoá trong nước cũng đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua đã bắt đầu gây áp lực lên lạm phát.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, có thể làm cho lạm phát năm 2022 khó có thể giữ được mục tiêu ở mức 4%. Điều này đã phần nào tác động đến tâm lý người gửi tiền đó là tìm kiếm tài sản an toàn để trú ẩn lạm phát, nên đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng tăng lãi suất để thu hút dòng tiền.

Mặt khác, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thường chịu áp lực do tăng trưởng tín dụng cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn, dẫn đến sự cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại trong huy động vốn càng trở nên mạnh mẽ hơn để đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của nền kinh tế.

Trong điều kiện bình thường, khi lãi suất huy động tăng tất yếu sẽ tác động đến lãi suất cho vay nhưng trong bối cảnh hiện nay lãi suất cho vay khó có thể tăng do 2 nguyên nhân:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát chặt chẽ lãi vay.

Thứ hai, do áp lực cạnh tranh cho vay giữa các ngân hàng.

Ngoài ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ lãi suất trong năm 2022-2023, nên lãi suất cho vay sẽ giảm xuống để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Như vậy, trong thời gian tới, lãi suất cho vay khó có thể tăng mặc dù lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của các ngân hàng đang có xu hướng tăng lên.

PV: Vậy theo ông, cộng hưởng những yếu tố trên liệu có tạo thêm nguy cơ rủi ro cho ngân hàng trong thời gian tới?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Như đã đề cập ở trên, lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay khó có thể tăng mạnh được do áp lực cạnh tranh cho vay giữa các ngân hàng thương mại và chính sách quản lý tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù chỉ số CPI tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, chưa đến mức cần thiết phải thắt chặt tiền tệ nên trong 6 tháng cuối của năm 2022, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt vừa góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng phải bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

Có thể nói lãi suất cho vay khó có thể giữ nguyên (thậm chí có thể giảm), nhưng lãi suất huy động đã và đang tiếp tục có xu hướng tăng đã làm cho chênh lệch lãi suất ròng giảm xuống, dẫn đến làm giảm lợi nhuận nếu các ngân hàng không tiết giảm các chi phí vốn và đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào để có chi phí thấp.

Mặc dù vậy, nhưng theo tôi, điều này ít có khả năng gây rủi ro cho các ngân hàng nếu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ các khoản vay có rủi ro cao và trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

Tuy nhiên, khi lãi suất huy động tăng, trong khi lãi suất cho vay giảm làm cho biên lợi nhuận của ngân hàng giảm sẽ gây khó khăn cho việc tăng vốn để đảm bảo tăng cường hệ số an toàn vốn (CAR). Điều này có thể làm chậm tiến trình áp dụng Basel III, bởi đây là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng thương mại hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!