Trái phiếu doanh nghiệp đang có dư địa phát triển

Đối với trách nhiệm trong quản lý thị trường chứng khoán, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã nỗ lực hết sức để ngăn chặn, xử lý các sai phạm, đưa thị trường trở nên minh bạch hơn. Bộ trưởng điểm lại: Ngay từ năm 2021, từ tháng 4 đến tháng 9, Bộ đã đưa ra 5 thông cáo báo chí về rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cùng với nhiều cảnh báo trên các phương tiện truyền thông. Ngày 1/9, đã có công điện yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan tiến hành thanh tra. Ngày 3/12, yêu cầu tăng cường thanh tra để phát hiện sai phạm và xử lý. Ngày 1/4, yêu cầu thanh tra các cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán các công ty chứng khoán, phát hiện nhiều vi phạm, chuyển qua cơ quan điều tra 34 vụ, xử phạt hành chính 568 vụ với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Đây là những bước để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán. Với những sai phạm của một số cá nhân, Bộ Tài chính đã xử lý, kỷ luật, củng cố cơ quan quản lý trong lĩnh vực chứng khoán.

Nỗ lực ngăn chặn, xử lý các sai phạm, đưa thị trường chứng khoán phát triển bền vững, minh bạch hơn.
Nỗ lực ngăn chặn, xử lý các sai phạm, đưa thị trường chứng khoán phát triển bền vững, minh bạch hơn.

Trả lời ĐBQH liệu có sự buông lỏng quản lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, từ trước đến nay, trừ trường hợp TPDN của Tân Hoàng Minh hiện nay vẫn chưa trả được nợ khi hủy phát hành, còn lại các doanh nghiệp khác khi đến hạn đều trả được nợ. Như vậy, dòng TPDN vẫn lưu chuyển bình thường. Bộ Tài chính là cơ quan hành pháp nên phải thực hiện theo đúng luật pháp, phải căn cứ vào Luật Chứng khoán và Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Do trong Luật Chứng khoán không đưa ra điều kiện phát hành, không cần phải doanh nghiệp có lãi hay có tài sản đảm bảo, nên Nghị định 153/2020/NĐ-CP cũng không thể quy định được điều kiện phát hành.

Từ những phân tích trên, Bộ trưởng nêu rõ, thực hiện đúng quy định của pháp luật nên trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, nhưng phải phát hành đúng trình tự và quy định của pháp luật. Những vụ việc xử lý vừa qua là do các doanh nghiệp phát hành không đúng quy định.

Có ĐBQH đặt câu hỏi về giải pháp nào để làm lành mạnh hóa thị trường TPDN, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định không có chủ trương nào về siết chặt hay hạn chế TPDN. Đây là kênh huy động vốn hiệu quả cùng các ngân hàng thương mại huy động vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên việc huy động này phải đúng pháp luật, minh bạch, không được lợi dụng để sử dụng vốn sai mục đích.

Theo Bộ trưởng, hiện nay quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 1,374 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 15% GDP. Theo mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đến năm 2025 quy mô thị trường phải đạt 20% GDP, như vậy mức 15% hiện tại là trong khoảng cho phép. So với các nước xung quanh, quy mô huy động của Việt Nam vẫn còn thấp và có dư địa phát triển.

Không để địa tô chênh lệch rơi vào túi doanh nghiệp

Trả lời câu hỏi liên quan đến xử lý nhà đất trong thực hiện cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ nghiên cứu để tránh thất thoát khi CPH, để địa tô chênh lệch không rơi vào túi doanh nghiệp mà do nhà nước điều tiết. Bộ trưởng cũng thẳng thắn cho rằng, sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong CPH hiện nay.

Theo Bộ trưởng, năm 2021 chỉ bán vốn được 18 doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa được 4 DN, thu được hơn 4 nghìn tỷ đồng.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, nhiều chuyên gia đã có ý kiến, nếu ĐBQH thấy đúng thì sửa quy định để đảm bảo phát triển bền vững lâu dài, theo hướng khi DN thuê đất với mục đích sản xuất kinh doanh khi chuyển sang CPH hay tư nhân thì phải thực hiện đúng mục đích phê duyệt. Nếu không có nhu cầu sử dụng, trả lại cho nhà nước, nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho DN đó và tổ chức đấu giá để thu về ngân sách. Có nghĩa là địa tô chênh lệch không rơi vào túi DN mà do nhà nước điều tiết.

“Việc này có lợi là thúc đẩy được năng lượng của nền kinh tế, DN CPH mục đích là nâng cao năng lực sản xuất của DN đó, chứ không phải sau CPH là giải tán DN, thải hồi công nhân, bán máy móc thiết bị và lấy khu đất này để bán lấy địa tô chênh lệch và chuyển qua thành đất ở hay mục đích khác. Nếu chúng ta làm được điều đó thì chắc chắn năng lực của nền kinh tế, đặc biệt sức mạnh của DN nâng lên. Như vậy, không khuyến khích các DN nhìn những khu đất có lợi thế thương mại để CPH” - Bộ trưởng Bộ Tài chính thẳng thắn nói.

Hiện nay quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 1,374 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 15% GDP. Theo mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đến năm 2025 quy mô thị trường phải đạt 20% GDP, như vậy mức 15% hiện tại là trong khoảng cho phép. So với các nước xung quanh, quy mô huy động của Việt Nam vẫn còn thấp và có dư địa phát triển.