Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi: Cần sự huy động của các tầng lớp nhân dân
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Ảnh: TL

Tích cực, chủ động, trách nhiệm chuẩn bị dự án luật

Từ năm 2021, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP. Hà Nội chủ động triển khai việc tổng hợp thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và phối hợp với Bộ Tư pháp lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp làm trưởng ban. Kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nội dung đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những cơ sở quan trọng để Thành ủy đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thiện dự thảo luật

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Thành uỷ, Luật Thủ đô có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nên các cơ quan, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đóng góp để hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm chất lượng. Phải nhận thức rõ rằng, phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước...

Từ năm 2022 đến nay, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Bộ Tư pháp báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo luật; đã ban hành quyết định về Kế hoạch soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đăng tải dự thảo luật để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, trong quá trình soạn thảo, tổ biên tập, thường trực tổ biên tập và các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội rất trách nhiệm, chủ động, tích cực tham mưu, giúp ban soạn thảo trong việc chuẩn bị dự án luật. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Tư pháp, UBND TP. Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan. Mặc dù thời gian gấp gáp, nhưng đến nay đã có được dự thảo luật cùng dự thảo tờ trình khá dày dặn, công phu.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia…

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi: Cần sự huy động của các tầng lớp nhân dân
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Ảnh: TL

Công khai lấy ý kiến góp ý rộng rãi

Về bố cục, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều, tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành. Nội dung dự thảo luật bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước. Dự thảo luật đang được đăng tải công khai lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện, báo cáo Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/9/2023.

Tại cuộc họp báo về hội thảo khoa học “Góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi)” mới đây, ông Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, để một đạo luật thực sự phản ánh được thực tiễn và đi vào cuộc sống, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo thì các bên liên quan đóng vai trò rất quan trọng. Đó là các tầng lớp nhân dân, tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là giới tri thức và các nhà khoa học.

Vì vậy, trong ngày 1/8, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Các đại biểu sẽ trình bày 11 tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách lớn.

“Thông qua kết quả nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học tại các trường đại học, cao đẳng, học viện chuyên ngành trên địa bàn TP. Hà Nội nhằm cung cấp các luận chứng khoa học góp phần hoàn thiện Luật Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thành phố. Đồng thời, nhằm tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng, đề xuất các chính sách trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)...” - ông Chu Mạnh Hùng nói.

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi: Cần sự huy động của các tầng lớp nhân dân

Ông Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội:

Việc đóng góp ý kiến có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Việc lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các đối tượng chịu sự tác động cũng như thụ hưởng chính sách của Luật Thủ đô vào dự án luật nhằm giúp các cơ quan xây dựng pháp luật nghiên cứu có thể tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo trên cơ sở các chính sách mà các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, Luật Thủ đô có 9 chính sách được xác định, được Thành ủy thông qua tại các hội nghị của Thành ủy, trình Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội xem xét thông qua.

Đến thời điểm này, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có đầy đủ nội dung, thể chế chính sách trên cơ sở kế thừa các nội dung còn có giá trị của Luật Thủ đô năm 2012. Các nội dung góp ý của các tầng lớp nhân Thủ đô cũng như tầng lớp trí thức sẽ góp tiếng nói quan trọng để cho các cơ quan soạn thảo luật và các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận các vấn đề và sẽ hoàn thiện dự thảo luật, trình các cơ quan trong thời gian sắp tới.