Năm 2023: Dự kiến lạm phát cao hơn, tăng trưởng thấp hơn Sửa Luật Đất đai: Không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm Mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công

Bội chi, nợ công thấp dưới mức trần cho phép

Báo cáo về tình hình thực hiện NSNN năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện thu NSNN 9 tháng đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô vượt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Đánh giá cả năm thu NSNN ước đạt khoảng 1.614,1 nghìn tỷ đồng, vượt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng (+14,3%) so dự toán; tỷ lệ huy động NSNN đạt khoảng 17,2%GDP, từ thuế, phí đạt khoảng 13,9%GDP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại Quốc hội

Về chi NSNN, ước hết tháng 9 đạt 60,9% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán. Đánh giá cả năm, chi NSNN đạt 2.035,4 nghìn tỷ đồng, bằng 114,1% dự toán; trong đó giải ngân vốn đầu tư ước đạt khoảng 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 96,1%; chi thường xuyên đạt 100,7% dự toán.

Theo báo cáo, bội chi NSNN năm 2022 ước thực hiện bằng 4,5% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép (tổng mức bội chi NSNN năm 2022 tối đa là 5 - 5,1% GDP gồm dự toán bội chi năm 2022 là 4% GDP và bội chi cho Chương trình phục hồi là 1 - 1,1% GDP). Trong điều hành, Chính phủ đang chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách, rà soát tiết kiệm, cắt giảm các nhiệm vụ chi để tiếp tục giảm mức bội chi so với mức báo cáo nêu trên.

Dư nợ công đến cuối năm 2022 khoảng 43 - 44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40 - 41%GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia bằng khoảng 40 - 41%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18 - 19% tổng thu NSNN, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép.

Dự toán chi tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng

Về dự toán NSNN năm 2023, Chính phủ dự toán thu 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP. Mức dự toán thu NSNN nêu trên là tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ở một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Về chi, dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 291,6 nghìn tỷ đồng (+16,3%) so với dự toán năm 2022.

Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển: 726,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi NSNN (dự toán năm 2022 là 29,5%); đảm bảo đủ nguồn thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Dự toán chi trả nợ lãi, viện trợ, dự trữ quốc gia là 106,8 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi cải cách tiền lương, lương hưu và điều chỉnh một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở là 12,5 nghìn tỷ đồng, cùng với việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy của NSTW và NSĐP.

Dự toán chi thường xuyên (bao gồm chi tinh giản biên chế) năm 2023 là 1.172,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,5% tổng chi NSNN.

Căn cứ Kế hoạch tài chính 5 năm và nhu cầu nguồn lực để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, dự toán bội chi NSNN là 455,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP, tăng khoảng 82,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2022 (tăng khoảng 0,72% GDP so với dự kiến khi xây dựng Kế hoạch 5 năm). Trong đó: bội chi cho Chương trình phục hồi khoảng 1,53%GDP; bội chi cho cân đối NSNN là 2,89% GDP (dự toán năm 2022 là 4% GDP) là mức rất tích cực.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 19 - 20% tổng thu NSNN (kế hoạch 5 năm là không quá 25% tổng thu NSNN). Đến cuối năm 2023, nợ công khoảng 44 - 45% GDP, nợ Chính phủ khoảng 41 - 42% GDP, nợ nước ngoài khoảng 41 - 42% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép.

Bộ trưởng Bộ Tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Tại báo cáo này, Chính phủ cũng trình xin ý kiến Quốc hội về một số vấn đề, trong đó có việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023.

Từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN đảm bảo khoảng 12,5% (cùng với mức điều chỉnh tăng 7,4% đã thực hiện năm 2022 thì cơ bản tương đương mức tăng lương cơ sở) và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Từ ngày 1/1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Năm 2023: Dự kiến tăng chi khoảng 340 nghìn tỷ so với năm 2022

Theo báo cáo của Chính phủ, nhu cầu tăng chi NSNN năm 2023 so với dự toán NSNN năm 2022 khoảng 338 - 340 nghìn tỷ đồng, trong đó gồm: tăng chi các nhiệm vụ đầu tư phát triển của NSTW (khoảng 161 nghìn tỷ đồng) bao gồm cả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác; tăng chi cân đối NSĐP đảm bảo các chính sách, chế độ theo quy định (khoảng 73 nghìn tỷ đồng); thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở (khoảng 60 nghìn tỷ đồng); tăng chi thường xuyên thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (khoảng 14 - 15 nghìn tỷ đồng); tăng chi thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bố trí dự phòng NSNN hợp lý trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường và một số nhiệm vụ cấp thiết khác.