Tổng nguồn cung xăng dầu năm 2024 tăng hơn 2 triệu m3/tấn

Theo ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tổng nguồn xăng dầu các loại nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế thực hiện cả năm 2023 ước khoảng 26,02 triệu m3/tấn, trong đó, sản lượng nhập khẩu xăng dầu các loại ước cả năm 2023 khoảng 10,2 triệu tấn.

Năm 2024, tối thiểu cần gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế và dân sinh
Năm 2024, tối thiểu cần gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế và dân sinh. Ảnh: Hải Anh

"Nhu cầu trong nước dự báo sẽ còn tăng, thậm chí là tăng đột biến. Căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023; căn cứ vào đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu năm 2024, khả năng nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước của doanh nghiệp, Bộ Công thương đã cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024. Theo đó, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 tổng cộng gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại" - ông Chinh chia sẻ.

Theo đánh giá của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, sau những bất ổn của năm 2022, năm 2023 việc điều hành giá cả xăng dầu đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Liên Bộ Công thương - Tài chính đã phối hợp rất tốt, thực hiện đúng quy định và giải quyết được vấn đề khó, vướng mắc của các doanh nghiệp phản ánh trước đó.

Năm 2023, các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ cơ bản đã chấp hành các quy định của pháp luật và chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ ngành chức năng. Việc cung ứng xăng dầu nói chung khá ổn định.

Các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh xăng dầu cơ bản đồng thuận với cách điều hành của Chính phủ và của liên bộ. Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung được duy trì ổn định.

Trên thực tế, Liên Bộ Công thương - Tài chính cũng ghi nhận, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước như Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đều nỗ lực rất cao, sản xuất vượt trên công suất thiết kế.

Thực hiện xuất hóa đơn điện tử khi bán lẻ xăng dầu

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại cuộc họp triển khai Công điện 1437/CĐ-TTg (ngày 30/12/2023) của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong năm 2024 diễn ra ngày 3/1 mới đây, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Công thương cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, yếu kém trong năm qua.

Cụ thể là một số doanh nghiệp đầu mối chưa chấp hành nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn tối thiểu; chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như: kho, bãi, dự trữ thương mại tối thiểu, chấp hành nghĩa vụ thuế hay là quản lý và sử dụng quỹ bình ổn…; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu có lúc có nơi thực hiện chưa tốt.

Năm 2024, tối thiểu cần gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế và dân sinh
Lực lượng quản lý thị trường dán decal đường dây nóng tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Ảnh: TL

Vì vậy để thực hiện hiệu quả Công điện 1437/CĐ-TTg, ông Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo quyết liệt, cụ thể đối với cơ quan trực thuộc; triển khai ngay kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 cho các doanh nghiệp.

"Để không bị động trước diễn biến thị trường, kịch bản điều hành xăng dầu không chỉ là hàng năm mà phải từng tháng và hàng quý. Bộ Công thương sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương đảm bảo trong mọi tình huống, không được để thiếu nguồn cung xăng dầu, không được để đứt gãy, kể cả là cục bộ..." - ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cụ thể hoá Công điện 1437/CĐ-TTg, ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng thời phải thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, liên bộ, từng bộ, địa phương trong đó có quy định về việc áp dụng phần mềm quản lý để bảo đảm khách quan minh bạch. Đặc biệt là triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả việc xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao, có kế hoạch triển khai theo tháng, quý...

Đồng thuận với quan điểm nêu trên của lãnh đạo Bộ Công thương, để thực hiện có hiệu quả Công điện 1437/CĐ-TTg, các chuyên gia kinh tế cũng đề nghị ngành Công thương cần chủ động hơn trong việc điều hành mặt hàng xăng dầu, nhất là việc chủ động hướng dẫn các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh xăng dầu, tránh đứt gãy nguồn cung cục bộ như đã xảy ra.

Đồng thời, tiến hành việc thanh kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác điều hành, bình ổn giá mặt hàng xăng dầu, hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

Theo Bộ Công thương, cùng với nỗ lực bảo đảm trong mọi tình huống, không bị đứt gãy nguồn cung xăng dầu, trong năm 2024, Bộ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ nội dung của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng tuân thủ quy luật thị trường nhưng vẫn phải bảo đảm vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước.