Tây Ninh: Xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm để phát triển 2 con số sau hợp nhất
Sau sáp nhập, trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh đặt tại phường Long An (TP. Tân An, tỉnh Long An cũ). Ảnh: Kỳ Phương

Nhiều điểm sáng trong 6 tháng đầu năm 2025

Theo ông Trương Văn Liếp - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh, địa phương đã phối hợp tốt, hoàn thành sớm và có chất lượng cao trong xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp cấp tỉnh; quá trình thực hiện được triển khai đồng bộ, bài bản, thể hiện rõ quyết tâm chính trị, sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền các cấp.

Sau sáp nhập, tỉnh Tây Ninh có diện tích tự nhiên là 8.536,44 km2; quy mô dân số là 3.254.170 người; đường biên giới dài khoảng 368,695 km tiếp giáp với 3 tỉnh Campuchia (Svay Riêng: 232,738 km, Tboung Khmum: 101,670 km, Prey Veng: 34,287 km); có 4 cửa khẩu quốc tế: Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát – Tropeng Phlong, cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài – Bà Vét, cửa khẩu Quốc tế Tân Nam – Mơn Chây, cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp – Prây Vo; có 1 cảng quốc tế (cảng Quốc tế Long An).

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh trong 6 tháng đầu năm 2025 có nhiều “điểm sáng” trên hầu hết các lĩnh vực, cụ thể:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Tây Ninh ước tăng 9,63% (trong đó, Long An tăng 9,49%; Tây Ninh cũ tăng 9,84%). Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, cao nhất 6 tháng đầu năm giai đoạn 2021 – 2025, vượt kịch bản chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25 và kịch bản tăng trưởng 2 con số của tỉnh.

Tính đến ngày 2/7/2025, đầu tư công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã giải ngân 7.464,8 tỷ đồng, đạt 47,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 47,55% kế hoạch UBND tỉnh đã phân bổ.

Về nông, lâm, thủy sản: hoạt động sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực; các cây trồng, vật nuôi chủ lực sinh trưởng, phát triển tốt; chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Sau hợp nhất, tỉnh Tây Ninh mới có 67/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 81,71% số xã toàn tỉnh); 5/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 6,10% số xã toàn tỉnh).

Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng mạnh trên 15%; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,01%.

Hoạt động thương mại - dịch vụ có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 121.000 tỷ đồng, tăng 14%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt hơn 13,94 tỷ USD, tăng 14,16%. Trong 6 tháng đầu năm, Tây Ninh đón khoảng hơn 4,8 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, với tổng doanh thu du lịch ước 3.235 tỷ đồng.

Công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nâng cao, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI luôn đứng top đầu cả nước; các chỉ số thu hút đầu tư tăng so với cùng kỳ. Thành lập mới 1.926 doanh nghiệp, với tổng vốn 93.121 tỷ đồng; cấp mới 77 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn 14.027,9 tỷ đồng; cấp mới 87 dự án FDI, với tổng vốn 556,41 triệu USD.

Tổng thu ngân sách đến ngày 30/6/2025 đạt 28.008,5 tỷ đồng, đạt 75,3% dự toán, tăng 35%. Trong đó, thu nội địa là 24.705 tỷ đồng, đạt 78,8% dự toán, tăng 31,3%.

Hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng 2 con số

Trả lời phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Trương Văn Liếp – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh cho hay, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương ngày 16/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 cho tỉnh Tây Ninh mới là 9,3%.

Để thực hiện chỉ tiêu được giao, tỉnh Tây Ninh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết đối với từng quý còn lại của năm 2025. Trước đó, 2 tỉnh trước khi hợp nhất cũng đã ban hành rất nhiều văn bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để đạt được mục tiêu này, Sở Tài chính chủ trì cùng các cơ quan tham mưu UBND tỉnh một số giài pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quan tâm vận hành có hiệu quả bộ máy sau sắp xếp, sáp nhập tỉnh; bảo đảm các hoạt động thường xuyên của cơ quan không gián đoạn, không ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ quan, người dân và doanh nghiệp.

Tây Ninh: Xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm để phát triển 2 con số sau hợp nhất
“Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, tiên phong trong xây dựng và phát triển, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể dựa trên các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Tây Ninh quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số trong năm 2025, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới”, ông Trương Văn Liếp nói. Ảnh: tư liệu

Thứ hai, khẩn trương điều chỉnh quy hoạch tỉnh; kế thừa và khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của cả 2 tỉnh trước đây. Nhất là sau sáp nhập, Tây Ninh có thế mạnh phát triển trên cả 3 khu vực của tăng trưởng: phát triển đa dạng ngành nông nghiệp, vừa phát triển vùng trồng lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản năng suất cao ở vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn (Long An cũ) và vừa phát triển cây công nghiệp ở Tây Ninh cũ; phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao do hưởng được sự lan tỏa phát triển công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ; đồng thời, tăng trưởng ngành dịch vụ, đặc biệt ngành du lịch tâm linh (Núi Bà Đen) và dịch vụ cửa khẩu, cảng biển,...

Thứ ba, triển khai các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh mới; tăng tốc phát triển nhưng đảm bảo tính bền vững.

Thứ tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hết năm 2025 tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch đầu tư công.

Thứ năm, tham mưu tỉnh triển khai tốt Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với phương châm: “Xem khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng là khó khăn của tỉnh, thành công của họ cũng chính là thành công của tỉnh”; tăng cường thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thứ sáu, tập trung nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xem đây là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.