Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Thu nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng

Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), cho biết năm 2023, tháng 4/2023, Cục Kiểm tra sau thông quan đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo toàn ngành chưa thực hiện kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch đối với các cuộc kiểm tra chưa cần thiết trong năm 2023 để tập trung nghiên cứu, lựa chọn các doanh nghiệp để kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.

Tổng số doanh nghiệp ưu tiên hiện nay là 73 doanh nghiệp. Nhằm cải cách phương thức quản lý đối tượng doanh nghiệp này, trong quý III/2023, Tổng cục Hải quan tiếp tục xây dựng yêu cầu kết nối và chuẩn hoá dữ liệu trao đổi thông tin phục vụ quản lý hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất; triển khai các bước để xây dựng và ban hành chuẩn thông điệp trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra sau thông quan; nghiên cứu để xây dựng các kế hoạch kiểm tra sau thông quan theo từng chuyên đề có rủi ro, vi phạm…

Do vậy, dù số cuộc kiểm tra từ đầu năm đến nay giảm nhưng số thuế thu nộp ngân sách tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, ông Lộc cho hay, từ đầu năm đến 15/9, toàn ngành thực hiện 1.439 cuộc kiểm tra (giảm 541 cuộc). Số tiền thu nộp ngân sách đạt 658,44 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ 2022.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này và mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho cả năm 2023; tham gia ý kiến vào các chuyên đề do Cục Kiểm tra sau thông quan trình bày về những nội dung cần hướng dẫn, trao đổi và rút kinh nghiệm đối với công tác kiểm tra sau thông quan toàn quốc; giới thiệu kết cấu, ý tưởng soạn thảo, những điểm chính, điểm mới của quy trình kiểm tra sau thông quan và quy trình quản lý doanh nghiệp ưu tiên...

Hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, thời gian qua, lực lượng kiểm tra sau thông quan toàn ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để triển khai nhiệm vụ ngày càng chính quy, bài bản hơn.

Ngoài việc đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp ưu tiên, Cục Kiểm tra sau thông quan và toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, triển khai kiểm tra sau thông quan theo chuyên đề (như chuyên đề về xuất xứ, chuyên đề về lượng, chuyên đề về chống lợi dụng chính sách…).

Công chức Cục KTSTQ kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: TL.
Công chức Cục Kiểm tra sau thông quan kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với lực lượng kiểm tra sau thông quan trong thời gian tới là hết sức nặng nề.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Kiểm tra sau thông quan và các đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Trước tiên là hoàn thiện cơ chế chính sách về công tác kiểm tra sau thông quan, trong đó có quy định liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định và hướng dẫn liên quan đến thẩm quyền khởi tố vụ án của Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan.

Đặc biệt, về thực hiện chức trách, nhiệm vụ kiểm tra sau thông quan, cần tập trung vào các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao.

Đối với các đơn vị hải quan không có đơn vị chuyên trách về kiểm tra sau thông quan, cần huy động lực lượng ở các đơn vị nghiệp vụ khác để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này…

Bên cạnh các chỉ đạo của tổng cục trưởng, hiện nay, lực lượng kiểm tra sau thông quan cũng tiến hành thí điểm một số doanh nghiệp để hoàn thiện các vấn đề đang nghiên cứu; sau đó, đánh giá, mở rộng thành chuyên đề định hướng, thực hiện kiểm tra sau thông quan và lập danh sách doanh nghiệp giao cho các cục hải quan địa phương thực hiện.

Qua đó, các đơn vị đảm bảo các chuyên đề kiểm tra sau thông quan được thực hiện thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng, hiệu quả, bao quát được các vi phạm của doanh nghiệp trên phạm vi rộng; góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, đảm bảo công tác quản lý nhà nước.

Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh cải cách và nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện; tăng cường công tác quản lý nắm bắt tình hình hoạt động trên địa bàn được phân công; tập trung triển khai và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, xây dựng kế hoạch định hướng và kế hoạch chi tiết sát với thực tế, theo đúng yêu cầu định hướng, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch được giao…