Tốc độ tăng trưởng của kinh tế số tăng nhanh qua các năm Kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á năm thứ hai liên tiếp Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt hơn 20 tỷ USD trong năm 2023

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, kinh tế số đã được Đảng và Nhà nước chú trọng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP và trong hầu hết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đề cập đến chỉ tiêu này.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu tới 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.

Ngày 29/12: Công bố số liệu về giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại hội thảo

Để có căn cứ biên soạn chỉ tiêu về kinh tế số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và Nghị định số 94/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”. Theo các quy định, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn, công bố chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP.

Để đo lường chỉ tiêu này, Tổng cục Thống kê đã khẩn trương nghiên cứu tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…, tham vấn chuyên gia của các tổ chức quốc tế và chuyên gia trong nước để tìm ra phương pháp tối ưu. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê đã hoàn thiện kết quả tính toán chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP giai đoạn 2020 - 2022.

Theo báo cáo tại hội thảo, kết quả tính toán thử nghiệm của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP bình quân giai đoạn 2020 - 2022 đạt khoảng 12,75% và năm 2022 là 12,67%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,77% (chiếm 61,29%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 38,71%).

Giai đoạn 2020 - 2022, quy mô kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,54% năm 2020 lên 6,61% năm 2022.

Theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn 2020 - 2022 đạt 6,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 6,11%; số hóa trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong 3 khu vực, bình quân giai đoạn 2020 - 2022 chỉ đóng góp khoảng 0,05% trong GDP.

Hoạt động của ngành kinh tế số lõi đã có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế số cũng như kinh tế nói chung ở Việt Nam, tập trung ở một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...

Tuy nhiên do đặc đặc thù kinh tế của mỗi địa phương nên tỷ trọng này ở các tỉnh/thành phố là khác nhau. Năm 2022, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 5 tỉnh, thành phố có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP trên 20%; 7 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 10-20%; 44 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 5-10% và chỉ có 7 tỉnh, thành phố có tỷ trọng này dưới 5%.

Một số địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số năm 2022 trong GDP cao chủ yếu do đóng góp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học như: tỉnh Bắc Ninh (46,75%), tỉnh Thái Nguyên (34,24%), tỉnh Bắc Giang (32,42%), thành phố Hải Phòng (27,22%), tỉnh Vĩnh Phúc (24,67%)…

TP. Hà Nội là 15,41%, trong đó kinh tế số lõi chiếm khoảng 75% và TP. HCM là 13,51%, trong đó kinh tế số lõi chiếm khoảng 69%. Hiện nay, xu hướng số hóa các ngành ở các địa phương ngày càng được đẩy mạnh thể hiện ở tỷ trọng số hóa của các ngành kinh tế đang có xu hướng tăng ở tất cả các địa phương.

Ngày 29/12: Công bố số liệu về giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP

Đánh giá chung, các chuyên gia nhận định kinh tế số ngày càng phát triển và đóng góp nhiều hơn trong tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động số hóa của các ngành, các lĩnh vực có xu hướng tăng dần qua các năm.

Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số chưa được đầy đủ trong xã hội. Thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về xu hướng, vai trò và định hướng ứng dụng kinh tế số trong phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta hiện nay.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với Bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ biên soạn chỉ tiêu đo lường kinh tế số. Đồng thời, quan tâm xây dựng thể chế để bố trí nguồn lực phù hợp, thúc đẩy ứng dụng kinh tế số trong các hoạt động kinh tế và quản lý, điều hành.

Đo lường đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam được tiếp cận từ cả phía cung và phía cầu, việc biên soạn chỉ tiêu này cần được thực hiện ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.

Do vậy, để kịp thời biên soạn và công bố chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP, GRDP theo quy định, Tổng cục Thống kê đề xuất biên soạn trên cơ sở dữ liệu sẵn có theo phương pháp sản xuất trong tài khoản quốc gia.

Sau hội thảo này, Tổng cục Thống kê sẽ hoàn thiện kết quả biên soạn và công bố chính thức vào ngày 29/12/2023 tại Họp báo công bố số liệu báo cáo kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023.