Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đặt niềm tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đặt niềm tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Đây là chia sẻ của ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, nhìn lại sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, ông có đánh giá như thế nào?

Ông Cấn Văn Lực: Có thể thấy, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận như: tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với thế giới, lạm phát được kiểm soát, hội nhập kinh tế sâu rộng, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng thế giới. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đặt niềm tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân phát triển, làn sóng khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm cho khoa học – công nghệ được khuyến khích và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Ông Cấn Văn Lực

Ông Cấn Văn Lực

Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng”, nền kinh tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế, mà đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã làm bộc lộ rõ hơn những bất cập, tồn tại của nền kinh tế nước ta như: sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, chưa có vai trò đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, thu hút FDI đạt nhiều kết quả tích cực nhưng sức lan tỏa chưa được như mong đợi, năng suất và chất lượng lao động còn thấp… ảnh hưởng chung tới chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, để phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, như mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra, tôi cho rằng, những hạn chế nêu trên cần phải nhanh chóng khắc phục, cùng với đề ra những đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021 – 2030 sắp tới.

PV: Vậy theo quan điểm của ông, đâu là những đột phá chiến lược cần thiết cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới?

Ông Cấn Văn Lực: Trước hết đó là, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế, gắn với cải cách thực chất thủ tục hành chính. Trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ số kéo theo sự hình thành và phát triển của nhiều mô hình kinh doanh, hình thái kinh tế mới, dự báo những xu thế này sẽ tiếp tục thay đổi mạnh mẽ trong 10 năm tới, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Trong khi đó, hệ thống quy định pháp luật, thủ tục hành chính của ta còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, một số chưa thực sự minh bạch, vẫn còn có chỗ chưa tạo được sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong các hoạt động kinh tế… đang làm hạn chế đà tăng trưởng kinh tế. Do vậy, điểm nghẽn trên cần phải được ưu tiên cải thiện ngay.

Thứ hai, cần phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng đáp ứng xu thế phát triển mới, giàu động lực đổi mới sáng tạo… Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến hết năm 2019, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam xếp thứ 11/12 quốc gia được khảo sát tại châu Á (chỉ đạt 3,79/10 điểm), kém cạnh tranh hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (4,94 điểm), Ấn Độ (5,76 điểm), Malaysia (5,9 điểm). Do đó, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cần phải được cải thiện sớm, mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển cho giai đoạn mới, hướng tới nền kinh tế có tốc độ phát triển cao.

Thứ ba, cần phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) hiện đại, có tầm nhìn và chất lượng. Thực tiễn phát triển của Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế trong phát triển CSHT như sử dụng dây chuyền và công nghệ sản xuất còn lạc hậu, đầu tư cho phát triển khoa học – công nghệ thấp, đổi mới sáng tạo còn ít đóng góp vào nâng cao năng suất lao động… Do vậy, trong giai đoạn tới, cần thiết phải tập trung nguồn lực, cơ chế cho phát triển CSHT, gắn liền với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh, xu hướng kinh tế số, xu hướng hội nhập mới...

Thứ tư, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, tận dụng tốt thời cơ đến từ xu hướng kinh tế số và các hình thái kinh tế mới. Thời gian qua, việc phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo… nhìn chung chưa được đa số tổ chức và doanh nghiệp chú trọng đầu tư, vẫn chủ yếu do khu vực nhà nước đảm nhiệm. Vì vậy, đổi mới, phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ cần được trở thành đột phá chiến lược, để Việt Nam có thể bắt kịp đà phát triển nhanh chóng của các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ mang lại, từ đó giúp tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…

PV: Ông dự báo như thế nào về mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030?

Ông Cấn Văn Lực: Giai đoạn 2021 – 2030 là giai đoạn phát triển mới sau khi thế giới bước vào giai đoạn “bình thường mới” và phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19 và tình hình quốc tế đã có nhiều biến động, xoay chuyển. Trong khi đó, về nội lực, đó là sự phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, khoa học – kỹ thuật – công nghệ, nguồn nhân lực và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam...

Với những điều kiện nền tảng như trên, tôi cho rằng, với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, nếu Việt Nam có thể tận dụng tốt các cơ hội, quyết tâm vượt qua thách thức và quyết tâm thực hiện những đột phá trên, chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6,8 – 7,2%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, nếu Việt Nam có thể tận dụng tốt các cơ hội, quyết tâm vượt qua thách thức và thực hiện những đột phá trên, chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6,8 – 7,2%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030”. Chuyên gia Cấn Văn Lực

Thiện Trần (thực hiện)