Khai mạc triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam"
Phát động triển khai Đề án 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham quan các loại máy sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Hải Minh

Lễ phát động được diễn ra tại Hậu Giang, trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và thực hiện nghi thức đưa hạt giống vào máy trình diễn gieo sạ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đồng bằng sông Cửu Long là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Cũng trong lễ phát động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết biên bản ghi nhớ với một số đơn vị quốc tế như Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) với vai trò là các tư vấn quốc tế nhằm cung cấp, phối hợp chọn tạo các giống lúa phù hợp, chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện các quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính; đề xuất hoàn thiện chính sách có liên quan, đào tạo cán bộ và nông dân,…

Tuy nhiên, trong bối cảnh ba chữ “biến” (biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới) ngày càng tác động mạnh hơn đối với nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt.

Từ bối cảnh đó, đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành.

Mục tiêu đề án là hình thành được 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Theo Bộ trưởng, quá trình triển khai đề án sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như chi trả tín chỉ các bon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo...

Các thí điểm thành công tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam. Sự thay đổi nhận thức của người sản xuất và kinh doanh lúa gạo; hợp tác công - tư hiệu quả; và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế…sẽ là chìa khóa thành công cho đề án.

Tại lễ phát động, Ban tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 cũng tổ chức các hoạt động trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm tại ấp 4, xã Vị Trung (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang).