Gỡ vướng trong xây dựng đầu tư đường cao tốc

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về vấn đề chung như nội hàm phạm vi điều chỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát bảo đảm tính thống nhất, không trùng lặp và thuận lợi trong áp dụng.

Phát triển đường cao tốc, giải phóng mặt bằng luôn phức tạp nhất
Các đại biểu trong phiên thảo luận dự án Luật Đường bộ.

Về quy định chung đối với đường cao tốc, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tại khoản 2 Điều 50 dự thảo Luật đã quy định việc đầu tư đường cao tốc phải đồng bộ. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 50 dự thảo Luật cũng quy định về việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc.

Các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy định tại Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đường bộ cũng đã quy định chuyển tiếp đối với các dự án đường cao tốc phân kỳ. Theo đó đối với các dự án đường cao tốc phân kỳ đầu tư đã được quyết định đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Luật này được tiếp tục đầu tư theo lộ trình tại quy hoạch được duyệt.

Về đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, từ thực tiễn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho thấy, giải phóng mặt bằng luôn là nội dung rất phức tạp, là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, chậm tiến độ, đội vốn đầu tư.

“Bên cạnh đó, chính sách, đơn giá bồi thường luôn được điều chỉnh, nếu chỉ giải phóng mặt bằng với quy mô phân kỳ, địa phương rất khó quản lý phần diện tích còn lại chưa giải phóng, hơn nữa việc thực hiện giải phóng mặt bằng bổ sung khi mở rộng lên quy hoạch rất phức tạp; kinh phí sẽ lớn hơn rất nhiều so với giải phóng mặt bằng thực hiện một lần” - người đứng đầu ngành Giao thông vận tải cho hay.

Ngoài ra, đối với đường cao tốc phải đầu tư hệ thống đường gom, đường bên hai bên; đường gom phải được xây dựng ngoài phạm vi đất dành cho cao tốc nên không thể quản lý phần diện tích đất nằm xen kẹt giữa đường gom và đường cao tốc.

Rút kinh nghiệm từ những vướng mắc trong thực tiễn, tại Nghị quyết về chủ trương đầu tư một số đường cao tốc, Quốc hội đã quy định việc giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch. Như vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc thực hiện giải phóng mặt bằng luôn theo quy mô quy hoạch vừa là chính sách nhằm phát triển đường cao tốc (chỉ áp dụng đối với dự án đường cao tốc); vừa là chính sách đã được thực hiện, tổng hợp kinh nghiệm trong thời gian qua.

Thu phí, phải đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và Nhà nước

Liên quan đến quy định nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết bổ sung phí sử dụng đường cao tốc bên cạnh phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện.

Phát triển đường cao tốc, giải phóng mặt bằng luôn phức tạp nhất
Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum): Cần thu hút tối đa nguồn lực ngoài ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, thực hiện chủ trương của Quốc hội tại các Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư, xem xét, phân tích đánh giá tác động trong trường hợp phát sinh thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư.

Theo Bộ trưởng, để đảm bảo sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định này.

Mức thu sẽ được xác định theo từng tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc, đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và Nhà nước.

Trước đó, thảo luận tại Quốc hội liên quan đến quy định về phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông ở trên tuyến đường cao tốc cho nhà nước đầu tư, sở hữu quản lý khai thác, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, quy định như dự thảo có thể dẫn tới việc thu trùng với các loại phí liên quan đến đường bộ.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) khẳng định sự cần thiết xây dựng luật, tạo bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt an toàn.

Theo nữ đại biểu, cần có quy định thu hút tối đa nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tại khoản 1 Điều 5 về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ, với nội dung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo vùng dân tộc thiểu số, dự thảo luật đề cập nhiều hơn về các chính sách cụ thể để hỗ trợ cải thiện đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

“Tuy nhiên, ban soạn thảo cần nghiên cứu để đề xuất các thành các chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư xây dựng đối với hạ tầng giao thông tại các khu vực và việc huy động xã hội hóa…” - đại biểu Trần Thị Thu Phước nói.

Về sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ, có ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể chặt chẽ hơn về cơ chế kiểm soát hoạt động của người sử dụng đất trên phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp.

Thu hút tối đa nguồn lực ngoài ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) khẳng định sự cần thiết xây dựng luật. Theo đại biểu, Luật Đường bộ tạo bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt an toàn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có quy định thu hút tối đa nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.