Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, quyết định Thiếu nhân lực chất lượng cao là trở ngại lớn trong kỷ nguyên số Sắp diễn ra Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0

Việt Nam ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực

Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để xây dựng và phát triển kinh tế số thì một trong những ngành đóng vai trò rất quan trọng đó là ngành ngân hàng, được coi là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân và cũng là ngành xác định là ngành tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, phát triển, đề xuất các chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số đã thu được nhiều kết quả tích cực, với sự tham gia của cộng đồng các ngân hàng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.

Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, để thúc đẩy chuyển đổi số đạt được mục tiêu đề ra thì nhiều vấn đề về thể chế, chính sách phải tiếp tục được hoàn thiện, không chỉ tập trung trong lĩnh vực thanh toán như thời gian vừa qua, để tạo ra môi trường vừa cạnh tranh, vừa hợp tác cùng phát triển giữa các ngân hàng thương mại với các công ty fintech, các doanh nghiệp công nghệ lớn.

Phạm Tiến Dũng
Các diễn giả trình bày tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số và ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người dùng dịch vụ trên không gian số.

Đánh giá cao những kết quả đạt được, bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết, người tiêu dùng đã có xu hướng ưa thích thanh toán không tiền mặt, 78% sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số kể cả khi đại dịch kết thúc. Có xu hướng chuyển sang không dùng tiền mặt nhờ sử dụng thẻ không tiếp xúc (65%) và ví điện tử (70%).

Ông Phùng Duy Khương - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chia sẻ, thời gian tới, ngân hàng thông minh cần phải đi trước đón đầu nhu cầu của khách hàng, gợi mở cho khách hàng về dịch vụ họ sẽ cần trong tương lai; tăng cường khả năng sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong phân tích hành vi khách hàng để dự báo chi tiêu cần thiết; cần có suy nghĩ và có cách tiếp cận khác trong hoạt động cho vay, thẩm định tài sản đảm bảo…; kết nối với hệ sinh thái mở phục vụ đời sống cho khách hàng. Để làm được những điều này, yếu tố công nghệ sẽ hỗ trợ rất lớn.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho số hóa ngân hàng

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cũng lưu ý để đạt được mục tiêu này cần có hành lang pháp lý đầy đủ, sửa đổi kịp thời, các tổ chức tín dụng cùng quyết tâm, dành nguồn lực để chuyển đổi số nhanh, hiệu quả.

Ông Lê Quang Hà - Giám đốc sản phẩm Công ty An ninh mạng Viettel cho rằng, trong tiến trình phát triển ngân hàng thông minh qua chuyển đổi số, ngân hàng cũng phải chuẩn bị cho các nguy cơ rủi ro an toàn thông tin. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 xảy ra, số lần tấn công của các đối tượng vào khách hàng của ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ chuyển tiền quốc tế... gấp 3 lần so với cùng kỳ 2020. Vì vậy, các giải pháp an toàn thông tin là xuyên suốt và không tách rời khi ngân hàng tăng cường chuyển đổi số cho khách hàng.

"Quy trình đảm bảo an toàn thông tin cần được thông minh hóa, tự động hóa, luôn đặt ra giả thuyết để săn tìm các nguy cơ một cách chủ động để thời gian phát hiện các nguy cơ càng nhỏ, chi phí xử lý sẽ càng thấp, tối ưu an toàn thông tin cho khách hàng” - ông Lê Quang Hà nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thời gian tới NHNN sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi nhận thức; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số. Cùng đó, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác.