Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, duy trì tính liên tục theo trật tự tuyến tính trên trục thời gian suốt 10 năm qua các chỉ số PCI của Quảng Ninh hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp.

Đối với Quảng Ninh, chỉ số PCI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, bởi trong suốt một thập kỷ qua cũng là giai đoạn tỉnh thực hiện thành công các đột phá, phát triển toàn diện, ổn định; trong đó liên tục trong 7 năm (2016 - 2022) có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%, riêng năm 2022 tăng trưởng GRDP đạt 10,28%, quy mô GRDP của tỉnh đạt gần 270.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc), tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa luôn đứng trong TOP đầu cả nước.

Để giữ vị thế "vàng” về năng lực cạnh tranh, Quảng Ninh tập trung xây dựng nền móng vững chắc với hàng loạt cải cách mang tính tiên phong, đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, với quan điểm xuyên suốt “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc.

Tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc và để người dân, doanh nghiệp thực sự là chủ thể trong công tác cải cách, đổi mới.

Cùng với đó là tinh thần “5 thật” (nghĩ thật; nói thật; làm thật; hiệu quả thật; nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật) và “6 dám” (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung) được tỉnh khẳng định cho quyết tâm chính trị trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên và hiện duy nhất trong nước đưa mục tiêu "Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI" vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Quảng Ninh là điểm sáng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Quảng Ninh nhận Cúp và Chứng nhận PCI năm 2022 với vị trí số 1.

Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục dứt điểm các tồn tại, hạn chế, vi phạm đã được chỉ ra tại các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán...

Những nỗ lực của Quảng Ninh trong xây dựng chính quyền "Liêm chính - Hành động - Phục vụ - Kiến tạo - Phát triển" được cộng đồng doanh nghiệp, người dân tin tưởng, trao gửi niềm tin và đồng hành cùng với tỉnh phát triển.

10 năm liên tiếp (2013 - 2022) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước và 6 năm liên tục (2017 - 2022) giữ vị trí đứng đầu Chỉ số PCI.

Năm 2022 tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 3 trong tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI cao (sau TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương). GRDP đạt 10,28%, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước và là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số. Quý I/2023 GRDP ước đạt khoảng 8,06%, thu NSNN ước đạt trên 14.870 tỷ đồng; tiếp tục nằm trong tốp đầu cả nước và là điểm sáng của phía Bắc về tốc độ tăng trưởng.

Ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc Dự án PCI, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nhận định: Không phải dễ để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm nhận được “5 thật”, “6 dám” nếu các đơn vị, các sở, ngành, địa phương của Quảng Ninh không quyết liệt hành động vì lợi ích chung. Các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện TTHC từ cấp cơ sở của doanh nghiệp được giải quyết kịp thời, tránh việc dồn tụ thành bức xúc và lan rộng.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong vùng Đồng bằng Sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, 7 quy hoạch chiến lược được tỉnh xây dựng, triển khai. Đồ án Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 cũng được phê duyệt; việc lập, điều chỉnh quy hoạch vùng huyện các địa phương được đẩy nhanh...

Mô hình trung tâm hành chính công, Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư được vận hành hiệu quả, giúp thời gian, chi phí của doanh nghiệp trong giải quyết TTHC giảm mạnh. Mô hình "Cà phê doanh nhân" tổ chức định kỳ hằng tháng và hoạt động của Tổ Công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh (Tổ Investor Care) cũng giúp nhiều doanh nghiệp được trao đổi, tìm kiếm giải pháp và giải quyết tận gốc nhiều vấn đề...

Nhiều năm liên tiếp chứng minh được năng lực cạnh tranh vượt trội, Quảng Ninh chưa bao giờ tự thỏa mãn với những thành tựu đạt được, mà liên tục tìm giải pháp khai thác dư địa trong CCHC, thúc đẩy liên kết vùng, liên vùng và quốc tế trong hành trình phát triển.

Tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì tổ chức thành công nhiều hội nghị chuyên đề, chuyên sâu của trung ương tổ chức trên địa bàn và các hội nghị lớn của tỉnh; tổ chức nhiều chuyến khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, kết nối trao đổi hợp tác với các địa phương trong nước.

Quảng Ninh coi trọng phát triển kinh tế “xanh”, kinh tế tuần hoàn, tập trung quy trình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Tỉnh "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030" (Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh). Trong đó ưu tiên phát triển các ngành du lịch, dịch vụ; khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển lâm nghiệp bền vững thông qua chủ trương trồng rừng gỗ lớn; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học các nguồn tài nguyên thiên nhiên...

Tỉnh Quảng Ninh không chỉ tiếp tục chứng minh vị thế quán quân PCI nhiều năm liên tiếp, mà còn từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2050 là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh…

Từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Ninh đón trên 20 nhà đầu tư đến nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hết quý I/2023, tỉnh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án, tổng vốn đăng ký 8.038 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2022; cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 11 dự án vốn trong nước, tổng vốn đăng ký 2.712 tỷ đồng; tổng vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 10.750 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 493,8 triệu USD, bằng 41,3% kế hoạch năm 2023.