SME cần được quan tâm hỗ trợ

Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bày tỏ sự ủng hộ những quyết sách quyết liệt của Chính phủ trước muôn vàn khó khăn để ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như giải pháp nỗ lực hồi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp này cho rằng việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều thách thức. Các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng do cơ chế chưa có tiền lệ trước đây, trong khi các chính sách đúng đắn từ Chính phủ được các địa phương triển khai chậm.

Quỹ bảo lãnh tín dụng: Ý tưởng hay nhưng không thể vội
Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Để vượt qua đại dịch song song với việc ổn định nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ đề xuất Thủ tướng Chính phủ dành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt này để giúp cho các doanh nghiệp SME vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành trở lại, tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống cho người lao động.

Trong ý tưởng thành lập quỹ, cộng đồng doanh nghiệp SME đề xuất hạn mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản. Trong đó, doanh nghiệp phải chứng minh hoạt động tốt trước dịch (có báo cáo tài chính lành mạnh); doanh nghiệp phải có hợp đồng/đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới để được nhận bảo lãnh.

Quan điểm hỗ trợ các doanh nghiệp SME cũng được các chuyên gia quốc tế ủng hộ. Ông Shimizu Akira – Trưởng Văn phòng đại diện JICA Việt Nam cho biết, vai trò của SME rất quan trọng, trong khi họ lại không dễ để tiếp cận các nguồn vốn, vì thế cần mở rộng cơ hội tiếp cận vốn trung và dài hạn từ các ngân hàng. Riêng phía JICA, đại diện tổ chức này cho biết trong nhiều năm trước đã thông qua các dự án ODA để cung cấp nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng, qua đó tiếp cận hơn 10 nghìn doanh nghiệp hỗ trợ vốn cho đầu tư kinh doanh.

Giải pháp đúng đắn, nhưng không thể nóng vội

Thực chất, việc thực thi các giải pháp bảo lãnh cho doanh nghiệp không phải là một ý tưởng đơn độc của riêng các doanh nghiệp SME mà cũng đang được cơ quan Nhà nước rất quan tâm.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đang được Bộ Kế hoạch Đầu tư soạn thảo trình Chính phủ cũng có nội dung liên quan vấn đề này trong nhóm các giải pháp tăng cường hỗ trợ tài chính. Theo đó, dự thảo cũng đề xuất việc rà soát và sửa đổi Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho SME.

Hiện tại, Nghị định số 34/2018/NĐ-CP là văn bản pháp lý quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để cấp bảo lãnh tín dụng cho các SME vay vốn tại các tổ chức cho vay. Tuy nhiên, quỹ bảo lãnh tín dụng theo Nghị định 34 vẫn ở quy mô nhỏ, tầm ảnh hưởng hẹp ở cấp địa phương. Hướng sửa đổi Nghị định 34 được đề xuất là tăng tỷ lệ được bảo lãnh của mỗi khoản vay, giảm hoặc miễn chi phí bảo lãnh, đơn giản hóa thủ tục bảo lãnh, kéo dài thời gian bảo lãnh, mở rộng phạm vi, đối tượng bảo lãnh tín dụng.

Động thái trên cho thấy, ý tưởng thành lập và phát triển một quỹ bảo lãnh tín dụng hoàn toàn không phải là một ý tưởng viển vông. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng, cần coi đây là một giải pháp có tính chiến lược, lâu dài, chứ chưa thể mong đợi nó có thể giải quyết được ngay những vấn đề cấp bách trước mắt.

Theo phân tích của TS. Châu Đình Linh, Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, việc có một quỹ bảo lãnh tín dụng như ý tưởng nêu trên cũng là một giải pháp hay. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng về cơ chế vận hành của quỹ khi đi vào hoạt động, bởi lẽ quỹ muốn hoạt động hiệu quả cần có quy trình rõ ràng, đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc kiểm soát các khoản bảo lãnh, đánh giá rủi ro như một ngân hàng. “Do đó, việc triển khai hoạt động của quỹ cần phải có thời gian để xây dựng cách tổ chức hoạt động của quỹ, các nguyên tắc quản trị rủi ro… nên không thể ngày một ngày hai mà có thể ra đời và đáp ứng ngay những vấn đề cấp bách hiện nay được”, ông Linh đánh giá.

Ngoài ra theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ của quỹ bảo lãnh, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng mạnh dạn cho SME vay thì các giải pháp thị trường cũng vẫn nên thúc đẩy. Đó là việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất thị trường, qua đó giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Các quỹ bảo lãnh tín dụng hiện đã có, nhưng mới ở quy mô địa phương

Theo Nghị định 34, quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại nghị định này và pháp luật liên quan khi không quy định tại nghị định này.

Trong đó, thuật ngữ “bảo lãnh tín dụng” là cam kết của quỹ bảo lãnh tín dụng với tổ chức cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh nếu họ không trả được nợ vay. Bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho quỹ bảo lãnh tín dụng số tiền đã được quỹ bảo lãnh tín dụng trả nợ thay.