Cơ hội tháo gỡ tình trạng chồng chéo luật về các dự án bất động sản Nhiều dự án bất động sản tồn đọng sau các vụ án cần cơ chế xử lý

Chiều 19/6, tại phiên họp tổ của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu một số ý kiến đóp góp cho dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tiền sử dụng đất phải được nộp vào ngân sách và chi theo dự toán

Góp ý về Luật Nhà ở, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị bỏ nội dung quy định tại khoản 3, Điều 8 của dự thảo luật về việc dành một tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Lý do là bởi nội dung này trái với Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Đầu tư công, “tiền sử dụng đất phải được nộp vào ngân sách và bố trí chi theo dự toán được duyệt”, Bộ trưởng khẳng định.

Quy định chặt chẽ về năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án bất động sản

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ

Nội dung thứ hai, liên quan đến chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, dự thảo quy định việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật, trong đó có cả hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị sửa lại điều 81, khoản 1 theo có thể thực hiện chỉ định thầu hoặc đấu thầu, không nên để bị bó hẹp trong quyết định chủ quan của UBND cấp tỉnh.

Vấn đề thứ ba được Bộ trưởng góp ý là về bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Dự thảo quy định Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách để khai thác, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật do cơ quan chức năng nhận bàn giao theo quy định.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đối với các công trình như đường nội bộ, đường điện hay công trình hạ tầng kỹ thuật chủ yếu dùng chung thì có thể quy định như vậy, nhưng với những công trình như nước sạch, điện… thì không thực hiện được theo quy định này nên cần điều chỉnh. Bên cạnh dùng ngân sách thì cần có những khoản quy định người sử dụng phải nộp.

Liên quan đến một số quy định về tài chính, tại điều 66 về cơ chế ưu đãi cho cải tạo nhà chung cư, dự thảo quy định miễn tiền thuê đất và tiền sử dụng đất. Góp ý nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nên quy định cụ thể chỉ miễn tiền sử dụng đất với phần đất xây dựng nhà chung cư cũ, còn đối với các phần khác trong cả khu đất theo quy hoạch thì không nên được miễn.

Còn với quy định vay vốn từ quỹ phát triển đất để thực hiện dự án cải tạo và xây dựng chung cư, theo Bộ trưởng, là không đúng quy định của Luật Đất đai, bởi Luật Đất đai quy định quỹ phát triển đất dùng để ứng vốn cho các tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức khác thực hiện giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất mới theo quy hoạch được duyệt, không thể lấy để xây dựng chung cư.

Về tài chính phát triển nhà ở, do có rất nhiều nguồn nên Bộ trưởng cho rằng cần rà soát lại toàn bộ nguồn vốn để thống nhất các luật khác, giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

Giá nhà ở xã hội phải do Nhà nước phê duyệt

Cuối cùng, liên quan đến giá nhà ở xã hội tại Luật Nhà ở, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình góp ý có một số ý kiến cho rằng nhà ở xã hội do Nhà nước xây dựng phải được duyệt giá, còn nếu do tư nhân làm thì không phải duyệt giá. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cả hai loại nhà ở xã hội này đều cần được duyệt giá, bởi Nhà nước không thu tiền sử dụng đất với nhà ở xã hội, đối tượng được mua nhà ở xã hội là đối tượng yếu thế và có những điều kiện ràng buộc kèm theo.

Như vậy, không thể để doanh nghiệp tính tiền sử dụng đất vào giá bán, hưởng chênh lệch địa tô lớn. Muốn vậy, cần thiết phải phê duyệt giá để bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà, dù nhà do Nhà nước hay tư nhân xây dựng.

Quy định chặt chẽ về năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án bất động sản
Ngày 19/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), một vấn đề Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý là phải nghiên cứu quy định năng lực tài chính đối với các chủ đầu tư được cấp phép các dự án kinh doanh bất động sản, đảm bảo họ đủ năng lực tài chính triển khai dự án, làm dự án đúng tiến độ, yêu cầu.

Thực tế vừa qua, đã có hàng chục ngàn người dân không được cấp sổ đỏ do chủ đầu tư nợ tiền ngân sách. Theo quy định của Luật Đất đai, sau khi giao đất cho doanh nghiệp mới xác định tiền sử dụng đất, nếu doanh nghiệp không nộp được đúng hạn thì xử phạt chậm nộp.

Tuy nhiên, mức tiền phạt lại thấp hơn lãi suất ngân hàng, do đó nhiều doanh nghiệp đã bán nhà trước, thu tiền của dân rồi dùng tiền đó vào mục đích khác mà không nộp tiền vào ngân sách, khiến người dân không được làm sổ đỏ, gây tình trạng khiếu kiện, bất ổn.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị phải thiết kế quy định để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn, bởi nếu không rất khó giải quyết tình trạng này, “doanh nghiệp vi phạm thì bị bắt đi tù nhưng hàng chục ngàn sổ đỏ của người dân ai giải quyết?”, Bộ trưởng nêu vấn đề. Giải pháp, theo Bộ trưởng, là phải “tiền trao, cháo múc”, nộp tiền vào ngân sách rồi mới được giao đất.

Đối với nội dung về chính sách thuế trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, tại khoản 2, khoản 3, điều 90 quy định giao cho Chính phủ điều tiết hoạt động kinh doanh bất động sản thông qua chính sách thuế. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, điều này là không đúng thẩm quyền bởi điều chỉnh chính sách thuế là thẩm quyền của Quốc hội.