Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cho biết như vậy.
*PV: Chương trình OCOP được xem là nền tảng vững chắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo ông, đâu là điểm nhấn trong chương trình?
- Ông Phương Đình Anh: Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2018 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và hiện nay đã bước vào giai đoạn thứ hai triển khai thực hiện.
Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy những giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của địa phương. Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình một vai trò “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản xuất mang nhiều tính nhân văn. Các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm...
Ông Phương Đình Anh |
Đến nay, cả nước đã có 14.208 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (72,3% sản phẩm 3 sao; 25,6% sản phẩm 4 sao; 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao) và 7.894 chủ thể OCOP (32,9% là hợp tác xã, 23,2% là doanh nghiệp nhỏ, 38,2% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác...).
Phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Tỷ lệ chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP là 46,0%, doanh thu bán hàng tăng bình quân là 29,7%; tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên là 50,43%, mức tăng giá bình quân là 17,5%.
Đặc biệt, chương trình đã tạo nên những thay đổi lớn về mặt thương mại, sản phẩm OCOP được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, được lan tỏa và tiêu thụ mạnh mẽ gắn với bán hàng trực tuyến (tương tác) trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok shop. Nhờ đó, không ít sản phẩm OCOP đã vươn xa ra thị trường thế giới...
* PV: Để phát triển các sản phẩm OCOP, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều chương trình tài chính, tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho chương trình OCOP. Ông bình luận gì về nguồn vốn này?
- Ông Phương Đình Anh: Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng phương án phân bổ, bố trí nguồn vốn cho các địa phương, các bộ, ngành trung ương để triển khai Chương trình OCOP trong tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, các địa phương đã chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng của địa phương, huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng để triển khai chương trình.
Nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại các diễn đàn thu hút người tiêu dùng quan tâm. |
Về chính sách hỗ trợ tín dụng, Bộ NN&PTNT đã ký các chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có sản phẩm OCOP. Một số ngân hàng cũng đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho các chủ thể OCOP, đặc biệt là Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đây là những điều kiện rất tốt, giúp các chủ thể có cơ hội tiếp cận các nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, việc các địa phương có cơ chế thưởng cho các chủ thể OCOP khi có sản phẩm được công nhận “sao” ở các cấp, cũng tạo động lực lớn cho các chủ thể OCOP không ngừng vươn lên.
Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã khẳng định sự phù hợp và có sự lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định hướng đi đúng đắn của một chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, nhằm mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn, mở rộng thị trường, khơi dậy tiềm năng, lợi thế các vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả và bền vững. |
*PV: Thực tế, nhu cầu mua sắm sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế ngày càng cao. Theo ông, thời gian tới, cơ quan chức năng và địa phương cần làm gì để hỗ trợ sản phẩm OCOP có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và tự tin tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?
- Ông Phương Đình Anh: Sản phẩm OCOP là đặc sản, mỗi sản phẩm OCOP là một "câu chuyện riêng", mang các giá trị về văn hóa đặc trưng, riêng có của mỗi địa phương, vùng, miền. Chính điều này là thế mạnh đặc biệt của sản phẩm OCOP so với các sản phẩm công nghiệp đại trà. Bên cạnh đó, do sản lượng của mỗi sản phẩm OCOP là hữu hạn, nên nếu đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được thị trường chấp nhận, thì bao giờ cầu cũng sẽ lớn hơn cung, nhất là trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội ngày một nâng cao.
Kết quả khảo sát và thử nghiệm trong thời gian vừa qua cho thấy, nhu cầu của thị trường quốc tế đối với sản phẩm OCOP cũng rất lớn, tiềm năng, nhất là cộng đồng người Việt Nam ở các nước, đặc biệt là ở châu Âu, Mỹ... Tuy nhiên, đối với sản phẩm OCOP, cần phải tập trung vào tổ chức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là quan điểm tham gia vào thị trường một cách có trách nhiệm, minh bạch và bền vững...
Nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, góp phần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP tiềm năng của các địa phương Việt Nam, hướng tới xuất khẩu, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Triển lãm sản phẩm OCOP xuất khẩu.
Sự kiện được tổ chức từ ngày 30/10 - 4/11/2024 tại Trung tâm đô thị - du lịchVinhomes Ocean Park 3, Hưng Yên. Sự kiện sẽ giúp giới thiệu, kết nối các chủ thể OCOP với các doanh nghiệp thương mại trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan đại diện và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam… Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, chủ thể OCOP tiếp nhận thông tin, yêu cầu của thị trường để thay đổi, từng bước thích ứng với nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với 30,7% số lượng sản phẩm OCOP, Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai với 18,3%, tiếp đến là Miền núi phía Bắc chiếm 16,8%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với 5,8%. |