>> Công ty tài chính Than – Khoáng sản chính thức thuộc về VPBank

Theo nhóm nghiên cứu Viện Ngân hàng – Tài chính Trường Đại học Kinh tế quốc dân tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014 những thách thức mới”, trong 6 tháng tháng đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 6/25 phương án tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Ban hành một số văn bản mới liên quan đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc.

Nhóm nghiên cứu cho rằng: Về tính hiệu quả của 7 ngân hàng đã thực hiện mua bán, sáp nhập và tái cấu trúc trong giai đoạn vừa qua như: HD bank, LienVietPostbank, Navibank, Pvcombank, SHB, Tpbank, Vietinbank… tuy đã có sự chuyển biến về hiệu quả lợi nhuận và hiệu quả sản xuất, nhưng vẫn là "một bức tranh tối màu".

Ngoài ra, vấn đề giải quyết nợ xấu, đến nay ngành ngân hàng mới chỉ giải quyết được việc “dọn dẹp” phần lớn nợ xấu về một đầu mối VAMC với vai trò như một “kho” lưu giữ nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo của VAMC, tính đến hết tháng 5/2014, công ty đã mua được 45.200 tỷ đồng nợ gốc của 2.039 khoản nợ xấu từ 35 tổ chức tín dụng bằng giá trị trái phiếu đặc biệt tương ứng 37.745 tỷ đồng, tuy nhiên cho đến nay chưa bán được khoản nợ xấu nào.

Với cơ chế như hiện nay, sau khi mua lại nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, VAMC thực hiện ủy quyền thu hồi nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc cơ cấu tài chính của các tổ chức tín dụng thông qua xử lý thu hồi nợ xấu vẫn đang trong tình trạng bế tắc.

Trong giai đoạn 2014 – 2015, các ngân hàng cần đẩy mạnh tiến độ tái cấu trúc để đạt được các mục tiêu đã đề ra và góp phần làm lành mạnh hệ thống ngân hàng Việt Nam./.

Huy Phong