Sáng 19/8, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018-2023”.

Giai đoạn 2015 – 2021: Giảm biên chế vượt mục tiêu đề ra

Theo báo cáo tại phiên họp do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát trình bày, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33%/chỉ tiêu 10%). Các ĐVSNCL sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu mang tính cơ học
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tại phiên họp

Hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) của ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý; giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%); số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định.

Chính sách xã hội hoá việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từng bước phát huy hiệu quả; góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của người dân và giảm áp lực, quá tải trong hoạt động của ĐVSNCL. Năng lực quản trị của ĐVSNCL từng bước được nâng cao; cơ cấu tổ chức bên trong của nhiều đơn vị được rà soát, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn;

Việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các ĐVSNCL chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn. Việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công trong các ĐVSNCL được chú trọng, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL cũng còn một số tồn tại, hạn chế.

Đoàn Giám sát đánh giá chính sách thúc đẩy xã hội hoá cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường còn chưa đồng bộ. Việc chuyển ĐVSNCL đủ điều kiện thành công ty cổ phần tiến hành chậm, kết quả rất thấp. Còn nhiều vướng mắc trong thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học.

Cụ thể như, việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đang chậm lại trong giai đoạn 2021-2023. Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong giai đoạn 2021-2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao;

Việc hướng dẫn và áp dụng mô hình quản trị như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư còn lúng túng, chưa hiệu quả. Chủ trương thành lập hội đồng trường ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập còn bất cập.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ chưa bền vững, đồng bộ; tổng chi thường xuyên từ NSNN cho hoạt động sự nghiệp vẫn tăng qua từng năm. Số lượng ĐVSNCL thuộc các bộ, ngành còn nhiều, việc chuyển giao về địa phương quản lý còn chậm; công tác quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu mang tính cơ học
Phiên họp của UBTVQH diễn ra sáng 19/8.

Sửa luật để viên chức làm quản lý doanh nghiệp trong trường học, viện nghiên cứu

Để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, Đoàn giám sát kiến nghị 3 nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện và bảo đảm nguồn lực với 9 nội dung chủ yếu.

Trong đó, có đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu, rà soát để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học để xác định rõ những cơ sở giáo dục đại học phải thành lập, được lựa chọn thành lập hoặc không thành lập hội đồng trường; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của hội đồng trường và các thiết chế liên quan trong cơ sở giáo dục đại học để khắc phục các vướng mắc, bất cập, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của mô hình hội đồng trường.

Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương để đẩy mạnh phân quyền cụ thể, rành mạch giữa trung ương và địa phương; Nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Doanh nghiệp, Luật Viên chức, tạo điều kiện để viên chức tham gia quản lý doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản hướng dẫn việc lập dự toán và cấp phát ngân sách nhà nước theo cơ chế đặt hàng. Ngoài ra, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của trường học, quy định về phương thức đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội để đáp ứng yêu cầu thực tế; hướng dẫn việc thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học; hướng dẫn việc chuyển tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các trường đại học, học viện để thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp với thực tiễn… như được nêu trong Báo cáo số 924/BC-ĐGS của Đoàn giám sát.

Đoàn Giám sát đề xuất Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Luật điều chỉnh chung đối với ĐVSNCL và ngoài công lập, báo cáo Quốc hội kết quả nghiên cứu vào cuối năm 2025, nếu đủ điều kiện thì trình Quốc hội, UBTVQH đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026-2027.