Tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở cũ

Ngay sau khi có các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TU ngày 14/4/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và hệ thống tổ chức đảng ở cơ sở theo định hướng của tỉnh, trung ương và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Hòa Bình: Hoán đổi, điều chuyển trụ sở phù hợp sau sắp xếp đơn vị hành chính
Hòa Bình đưa ra phương án xử lý trụ sở làm việc dôi dư sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính. Ảnh: T.L

UBND tỉnh Hòa Bình đã triển khai chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh tổ chức thực hiện, ban hành Công văn số 617/UBND-KTTH của UBND tỉnh về hướng dẫn xử lý tài sản, tài chính, ngân sách nhà nước khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Số cơ sở nhà, đất dôi dư sau sắp xếp tại tỉnh Hòa Bình là 394 cơ sở đất và 607 ngôi nhà.

Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công khi sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo các nguyên tắc: Ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của trung ương trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Có thể bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng theo các phương thức quản lý quy định tại điểm a, điểm b khoản 6 Điều 4a Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP).

Thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.

Giữ lại nhiều cơ sở nhà, đất làm trụ sở làm việc

Báo cáo từ UBND tỉnh Hòa Bình đã đưa ra phương án xử lý tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp dự kiến không tiếp tục sử dụng sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính 2 cấp của tỉnh.

Hòa Bình: Hoán đổi, điều chuyển trụ sở phù hợp sau sắp xếp đơn vị hành chính
Hòa Bình giữ lại nhiều cơ sở nhà, đất làm trụ sở làm việc. Ảnh TL minh họa

Cụ thể, tổng số cơ sở đất và trụ sở hiện có trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là 1.997 cơ sở đất với diện tích 5.953.802,79m2; 5.469 ngôi nhà với tổng diện tích sàn trên 402.513.920m2.

Tỉnh Hòa Bình thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.

Tỉnh Hòa Bình giữ lại sử dụng làm trụ sở làm việc 1.603 cơ sở đất với diện tích trên 5.107.965m2 và 4.862 ngôi nhà.

Như vậy, số dôi dư sau sắp xếp là 394 cơ sở đất và 607 ngôi nhà.

Để hoàn thiện phương án sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công và lập trình, thẩm định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính 2 cấp, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công;

Đồng thời với quá trình lập, trình, thẩm định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính theo nội dung hướng dẫn của Bộ Tài chính và UBND tỉnh về việc xử lý tài chính, NSNN khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang triển khai xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chịu tác động vởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất phương án xử lý đối với từng dự án (tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh dự án phù hợp với mục đích sử dụng) đảm bảo tieeys kiệm, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công./.