Bài 1: Áp lực lãi suất gia tăng

Nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước cho thấy thị trường tiền tệ đối diện với sức ép gia tăng của mặt bằng lãi suất. Một số chuyên gia nhận định, việc tăng lãi suất hoàn toàn phù hợp với bối cảnh chung trên thị trường tiền tệ quốc tế, do ảnh hưởng của tác động thắt chặt tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến Việt Nam.

Lãi suất “leo thang”

Động thái tăng lãi suất huy động vẫn đang trong xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Trong giai đoạn cuối tháng 8, đầu tháng 9/2022, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất đầu vào với biên độ tăng phổ biến ở mức 0,3 - 0,6%/năm so với trước. Điều đáng chú ý là trong giai đoạn trước, các ngân hàng thường tăng lãi suất với các kỳ hạn dài trên 1 năm, nhưng trong lần tăng lãi suất này, nhiều kỳ hạn ngắn cũng đã được điều chỉnh tăng, chủ yếu nằm ở kỳ hạn 6 và 9 tháng.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồ họa: Thế Dương

Đến thời điểm hiện tại, có khá nhiều ngân hàng đã có mức lãi suất huy động trên 7%/năm và hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến đang có mức lãi suất hấp dẫn hơn gửi tiền mặt tại quầy. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có mức lãi suất khá cao cho các kỳ hạn tiền gửi trực tuyến 18 tháng trở lên với 7,55%/năm, trong khi tiền gửi 12 tháng cũng lên tới 7,3%/năm. Bám sát SCB là Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), khi ngân hàng để mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến tới 7,4%/năm cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Riêng kỳ hạn 12 tháng của Nam A Bank cũng để lãi suất trực tuyến là 7,2%.

Một số ngân hàng khác cũng đã có mức lãi suất từ 7%/năm với tiền gửi trực tuyến có thể kể đến Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank)...

Hiện nay, kỳ hạn được áp dụng của mỗi ngân hàng khá linh hoạt để khách hàng dễ dàng chọn lựa. Hầu hết các ngân hàng đều có sự cạnh tranh lãi suất tiền gửi gay gắt ở gói tiền gửi tiết kiệm này. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất huy động từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 0,25% và lãi suất cho vay là 0,24%, nhưng đây là mức tăng thấp nhất so với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Những tác động làm tăng lãi suất

Theo các nhà chuyên môn, lãi suất huy động của một số ngân hàng cao cũng là diễn biến không nằm ngoài xu hướng chung về diễn biến lãi suất thị trường quốc tế. Gần đây nhất, vào đầu tháng 9/2022, Ngân hàng Dự trữ Australia đã ra thông báo về quyết định tăng lãi suất lên đến 2,35%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 kể từ tháng 5/2022 và đây cũng là mức lãi suất cao nhất tại Australia trong 7 năm qua. Mục tiêu của việc tăng lãi suất lần này của Australia là dần đưa tỷ lệ lạm phát của Australia về với mức 2% - 3%.

Theo Ngân hàng Dự trữ Australia, quyết định tăng lãi suất trong 5 tháng vừa qua được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu bất ổn do lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, khiến cho các nước đều phải thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi đó cuộc xung đột Nga -Ukraine cùng các biện pháp kiểm soát dịch và một số chính sách khác của Trung Quốc cũng là những nhân tố khiến cho nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn.

Áp lực tăng lãi suất trên thế giới vẫn còn

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng 9/2022 đã thông báo tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đưa lãi suất chuẩn của khu vực lên mức 1,25%, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng có thể có đợt điều chỉnh tăng lãi suất lần nữa sau khi đã có đợt tăng lãi suất vào đầu tháng 8/2022. Lý do là tình hình lạm phát tại các khu vực này vẫn còn diễn biến phức tạp, chi phí sinh hoạt tăng cao cùng với tình trạng bất ổn giá năng lượng đã khiến chính phủ nhiều nước châu Âu vẫn có thể phải có những động thái can thiệp. Trong khi đó tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng vẫn để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới, nhằm kiểm soát lạm phát đang tăng cao nhất 40 năm qua tại nước này. Trước đó, FED đã liên tục tăng lãi suất và qua 4 lần nâng lãi suất trong năm 2022, lãi suất tại Mỹ đã lên mức 2,25 - 2,5%/năm với tổng mức tăng là khoảng 2,25 điểm phần trăm.

Tình hình kinh tế chung trên thế giới cho thấy, lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Theo dự báo của Consensus Economics đưa ra hồi tháng 5/2022, đến cuối năm nay, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức khoảng 6,5%, cao hơn 1,5 lần so với dự báo tháng 2 (4%) được đưa ra trước khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

Theo đó, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính thuộc Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, chính sách chung của các nước trên thế giới trong nửa đầu năm 2022 đều phải đối mặt với mục tiêu kiểm soát lạm phát và công cụ thông thường được sử dụng là tăng lãi suất. Cụ thể, thời gian qua, Cục Dự trữ liêng bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)… và nhiều quốc gia khác đều tăng lãi suất để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Động thái này cũng đã có những tác động nhất định đối với thị trường tiền tệ Việt Nam.

Ngoài ra, sự phục hồi của các hoạt động kinh tế cũng là yếu tố khiến cho dòng vốn chịu sức ép bị rút khỏi ngân hàng để đưa vào các kênh sản xuất kinh doanh, điều này khiến cho các ngân hàng có xu hướng phải tăng lãi suất để giữ dòng tiền ở lại.

Trong báo cáo kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đánh giá, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi trong tháng 8 khi quá trình phục hồi kinh tế đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa. Ngân hàng này duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý III/2022 và 3,9% trong quý IV/2022, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%. Ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, sự phục hồi dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau 2 năm đóng cửa.