Tăng hiệu quả quản lý xuất xứ hàng hóa để tận dụng ưu đãi
Doanh nghiệp được phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ để hưởng thuế suất ưu đãi từ các FTA thế hệ mới. Ảnh: Hồng Vân

Ứng dụng công nghệ hiện đại

Trong năm 2018 - 2022, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết và triển khai như: Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA,… với những cam kết hoàn toàn khác so với các FTA mà Việt Nam đã ký trên trong khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác.

Theo bà Lê Nguyễn Việt Hà – Trưởng phòng Giám sát, quản lý xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), điểm nổi bật nhất của các hiệp định thế hệ mới liên quan đến thủ tục hải quan là cơ chế Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Thay vì cơ chế C/O được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền như trước đó, các FTA thế hệ mới áp dụng hình thức tự chứng nhận xuất xứ. Nghĩa là doanh nghiệp được phát hành chứng từ tự chứng nhận cho hàng hóa, để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, trước những khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng đã đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ, hỗ trợ để tạo thuận lợi thương mại. Trong đó, phải kể đến việc gia hạn thời gian nộp C/O cũng như giảm thiểu thủ tục hành chính, khi đơn giản hóa hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt; giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp do những biện pháp cách ly, giãn cách xã hội.

Để tạo thuận lợi thương mại nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu hiệu quả quản lý, cơ quan hải quan chú trọng công tác cải cách hiện đại hóa thủ tục hải quan, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý để giảm thiểu thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí và thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp; áp dụng nhiều hình thức quản lý hiện đại để kiểm soát hiệu quả, trọng tâm như: tăng cường quản lý dựa trên quản lý rủi ro, kiểm soát sự chấp hành của doanh nghiệp thay vì kiểm soát, kiểm tra theo từng lô hàng,…

Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bộ, ngành, tổ chức có liên quan ở trong nước và quốc tế, đặc biệt các cơ quan cấp C/O của nước xuất khẩu để nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả của công tác xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong đó, phải kể đến việc áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý xuất xứ như xây dựng các hệ thống truyền nhận trực tiếp dữ liệu điện tử C/O giữa cơ quan hải quan nước nhập khẩu với Tổng cục Hải quan như: hệ thống truyền nhận dữ liệu điện tử C/O thông qua hệ thống Một cửa ASEAN/Một cửa quốc gia, hay Hệ thống EODES truyền nhận dữ liệu điện tử C/O trực tiếp từ cơ quan cấp C/O của Hàn Quốc với Tổng cục Hải quan,…

Kiểm soát chặt, chống gian lận

Việc tham gia nhiều FTA dẫn đến giảm sâu về thuế quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng nguy cơ gian lận để trục lợi khi thuế suất có sự phân biệt lớn giữa các thị trường. Đặc biệt, trong giai đoạn xung đột thương mại đang diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam cũng đang áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan, chống gian lận thương mại của cơ quan hải quan.

Việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa ở các cửa khẩu cũng được cơ quan hải quan quản lý rất chặt chẽ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường quản lý dựa trên quản lý rủi ro, kiểm soát sự chấp hành pháp luật hải quan của doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) chia sẻ, công chức hải quan đóng tại cửa khẩu luôn phải thực hiện kiểm tra đầy đủ các tiêu chí khai báo trên C/O cùng với các thông tin như dấu, chữ ký của người có thẩm quyền, đối chiếu với danh mục mà các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Từ đó, cơ quan hải quan phát hiện nghi vấn để tiến hành xác minh, xử lý theo quy định.

Để giảm thiểu gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, Tổng cục Hải quan đã xây dựng các kế hoạch, chương trình triển khai công tác này theo các địa bàn trọng điểm, theo mặt hàng và triển khai toàn diện. Tổng cục Hải quan cũng đang xây dựng mạng lưới liên kết để triển khai tốt công tác này thông qua việc ký kết các biên bản ghi nhớ hỗ trợ hành chính, cung cấp thông tin, xây dựng hệ thống truyền nhận dữ liệu hiện đại.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan thường xuyên phối hợp các các bộ, ngành liên quan và trong nội bộ để tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra tránh gian lận về xuất xứ hàng hóa thông qua việc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi trong FTA hay ngược lại; cũng như hàng nhập khẩu chuyển tải qua các thị trường khác trước khi vào Việt Nam để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ của Việt Nam.

Đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến quản lý xuất xứ hàng hóa

Tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tích cực hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến quản lý xuất xứ hàng hóa. Ví dụ như, việc trình Bộ Tài chính ban hành thông tư thay thế các thông tư về kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Những thay đổi này không chỉ đáp ứng yêu cầu hoàn thiện về pháp lý mà còn là cơ hội để đổi mới cơ chế quản lý, cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.