Tăng vai trò của hải quan trong
Hải quan Việt Nam đã phát hiện nhiều vụ việc buôn bán trái phép động vật hoang dã. Ảnh: TL.

Thúc đẩy thương mại theo kinh tế tuần hoàn

Nhiệm vụ triển khai hải quan xanh mà Tổng cục Hải quan đặt ra sẽ gồm việc khuyến khích và thúc đẩy hoạt động thương mại hướng tới phát triển bền vững theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã mà Việt Nam đã ký kết, có những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các giải pháp theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, giám sát và kiểm soát hiệu quả sự di chuyển hàng hóa xuyên biên giới, kịp thời ngăn chặn các vi phạm ảnh hưởng tới sức khỏe con người, ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái bảo vệ động vật hoang dã.

Tăng vai trò của hải quan trong "xanh hóa" hoạt động thương mại

Khẳng định vai trò của hải quan trong bảo vệ môi trường

Giai đoạn 2022 - 2025, WCO đặc biệt quan tâm tới vấn đề môi trường và mong muốn khẳng định vai trò của cơ quan hải quan nói riêng và của WCO nói chung trong các nỗ lực phát triển bền vững toàn cầu, bảo vệ môi trường thông qua các chủ đề như hải quan xanh, xây dựng danh mục HS xanh, thúc đẩy hải quan điện tử phi giấy tờ nhằm giảm thiểu các tác động tới môi trường, tổ chức các hội nghị, chiến dịch về động vật hoang dã.

TS. Kunio Mikuriya - Tổng thư ký Tổ chức Hải quan thế giới

Những nhiệm vụ này trước tiên nhằm thực hiện theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và cũng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, chất nổ, vũ khí, chất thải, sản phẩm và mẫu vật động vật hoang dã qua biên giới.

Bên cạnh đó là thực hiện hướng dẫn thực hiện hải quan xanh của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) đối với lực lượng hải quan nơi tuyến đầu tạo thuận lợi và giám sát thương mại quốc tế. Với hướng dẫn này, Liên Hợp quốc mong muốn lực lượng hải quan tối đa hóa lợi ích mà xã hội có thể thu được từ hoạt động thương mại, đồng thời hạn chế những rủi ro và mối đe dọa mà thương mại đó có thể gây ra như buôn lậu và các hoạt động tội phạm. Trong đó, một số chất và hàng hóa vận chuyển qua biên giới được coi là “nhạy cảm” với môi trường, sức khỏe con người hoặc hệ sinh thái vì các đặc tính nguy hiểm cố hữu.

Những mặt hàng đó bao gồm các hóa chất bị cấm hoặc hạn chế; chất thải nguy hại và độc hại; các loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng; các sinh vật biến đổi gen. Nhiều mặt hàng trong số này được kiểm soát theo các Hiệp định môi trường đa phương (MEA) hoặc các hiệp ước như Công ước về Vũ khí hóa học. Theo đó, các hoạt động giám sát và kiểm soát hiệu quả sự di chuyển xuyên biên giới của các chất và hàng hóa, đó là một thành phần quan trọng của bảo vệ môi trường và trong nhiều trường hợp là an ninh quốc gia.

Một cam kết nữa là Hiệp định môi trường đa phương (MEA). Hiệp định này điều chỉnh quá trình vận chuyển qua biên giới đối với một số mặt hàng, chất và các loài hoang dã là để bảo tồn và bảo vệ môi trường khỏi những tác động bất lợi do các hoạt động của con người hoặc giảm thiểu tác động của chúng. Khi tham gia MEA, lực lượng Hải quan phải thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kiểm soát các hàng hóa có khả năng ảnh hưởng đến môi trường thông qua việc ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp các hóa chất, chất thải, sản phẩm và mẫu vật động vật hoang dã.

Trao đổi thông tin để kết nối

Tăng vai trò của hải quan trong
Ảnh minh họa

Để triển khai tốt nội dung hải quan xanh, cơ quan hải quan và công chức hải quan phải tìm hiểu về các cam kết, các quy định cũng như hướng dẫn thực hiện thông qua tài liệu, các bài giảng, khóa học và nội dung của các công ước quốc tế. Các đơn vị cũng tổ chức nghiên cứu và học tập về các hiệp định đa phương về môi trường và các quy định pháp luật liên quan thông qua các trang điện tử và tài liệu liên quan. Cùng với đó, theo dõi việc thực hiện các điều ước quốc tế về môi trường của quốc gia và về cách xác định các bên liên quan chính ở mỗi quốc gia.

Hiện nay, Hải quan Việt Nam đã thiết lập mối liên hệ với các bên liên quan khác có thể được yêu cầu tham gia vào các cuộc tham vấn quốc gia trong quá trình xây dựng luật và quy định liên quan đến việc thực hiện hải quan xanh và thu thập dữ liệu. Việc đưa ra quan điểm của cơ quan hải quan sẽ giúp đảm bảo rằng các quy trình và thủ tục mới tạo thuận lợi cho công việc của cơ quan hải quan.

Thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Hải quan Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi số sâu rộng theo hướng xây dựng Hải quan chính quy, hiện đại, thông minh và trước năm 2030 có trình độ ngang bằng các nước phát triển trên thế giới theo đúng mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, hiện nay, Hải quan Việt Nam đang triển khai kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với các bộ, ngành; kết nối Cơ chế một cửa ASEAN với các thành viên trong khu vực; kết nối với cơ quan hải quan các nước có chung đường biên giới và cơ quan hải quan các nước khác trên thế giới theo hướng Hải quan số, Hải quan thông minh, Hải quan xanh đúng như khuyến nghị của WCO và chỉ đạo của Chính phủ.

Những giải pháp đó sẽ nâng cao vai trò của lực lượng hải quan trong bảo vệ môi trường và góp phần “xanh hóa” hoạt động thương mại.

Để sớm đạt được mục tiêu đề ra, Hải quan Việt Nam hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WCO, của cơ quan hải quan các nước thành viên, các đối tác của cơ quan hải quan trong chuyển tải, đưa các công nghệ tiên tiến, trao đổi thông tin để kết nối nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển, lưu thông hàng hoá trên toàn cầu và đảm bảo an ninh, an toàn cộng đồng.