Tháo gỡ thể chế để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng trên 7%
Tháo gỡ thể chế để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng trên 7%

PV: Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 được đánh giá khá tích cực với hầu hết chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, nổi bật nhất chính là tốc độ tăng trưởng GDP. Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu tới cuối năm, tăng trưởng GDP sẽ đạt trên 7% và năm 2025 sẽ đạt 7 - 7,5%. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?

Tháo gỡ thể chế để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng trên 7%

Ông Nguyễn Trúc Sơn: Chính phủ ước tính tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt 6,8 - 7% và phấn đấu năm 2025 đạt 7 - 7,5%. Tôi cho rằng, mục tiêu này có thể đạt được với những điều kiện và giải pháp thực sự quyết liệt và mạnh mẽ.

Trước tiên là tháo gỡ những nút thắt về thể chế. Chính phủ đang đề nghị với Quốc hội phân cấp, phân quyền rất mạnh mẽ cho các tỉnh, thành phố. Việc phân cấp, phân quyền này phải được cụ thể hóa bằng những chính sách rất rõ ràng. Ví dụ thẩm quyền về đề xuất, về phê duyệt hay về triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, một số Luật mới như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và một số luật khác đã có hiệu lực cũng như các chính sách phục vụ cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Dự báo sắp tới sẽ tác động mạnh đến các thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu,… Việc triển khai các chính sách mới này cần phải thực sự mạnh mẽ.

Ở góc độ địa phương, vai trò phải đi kèm với với năng lực thực thi. Nghĩa là chính sách đã phân cấp, phân quyền thì địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm và thực hiện đúng như phương châm của Trung ương. Điều này phải được thực thi một cách hết sức bài bản và có trọng tâm, trọng điểm.

Điều thứ hai tôi muốn nói đó là, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tôi cũng đề cao việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, coi đây là một trong những động lực tăng trưởng. Qua báo cáo của Chính phủ có thể thấy, tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp vẫn còn chậm, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như số giải thể, ngừng hoạt động, còn khó khăn trong năm 2024 vẫn khá nhiều. Do đó, phải có giải pháp để tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Có thể phải quan tâm thêm về thị trường vốn, làm sao cho doanh nghiệp có thể hấp thu và đưa vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt với các doanh nghiệp có điều kiện để xuất khẩu thì cần có những chương trình, dự án hỗ trợ quyết liệt cho doanh nghiệp này. Bởi xuất khẩu cũng là một trong 3 động lực tăng trưởng quan trọng. Khi doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng.

PV: Như ông vừa trao đổi, để góp phần tăng trưởng kinh tế, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là rất quan trọng. Vậy, ông đánh giá như thế nào về các chính sách tài khóa như miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mà ngành Tài chính đã triển khai thời gian qua, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển; và những chính sách này góp phần như thế nào đến tăng trưởng kinh tế nói chung, thưa ông?

Ông Nguyễn Trúc Sơn: Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ như miễn, giảm nhiều loại thuế, phí; miễn giảm tiền sử dụng đất hay gia hạn thời gian đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tôi nghĩ rằng, đây là những giải pháp tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ có thêm nguồn lực để đầu tư hoặc mở rộng đầu tư cũng như cân bằng lại dòng vốn để phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh. Những năm qua, chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã góp phần rất lớn cho doanh nghiệp phục hồi, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, những năm tiếp theo, theo tôi, chúng ta cũng duy trì một cách tương đối các chính sách này. Có nghĩa là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách nhưng phải theo phương thức khác, tập trung đúng, trúng vào những lĩnh vực, những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần hỗ trợ.

Ví dụ, thị trường xuất khẩu của chúng ta đang phục hồi rất mạnh. Điều này góp phần kéo giá trị sản xuất công nghiệp cũng như là tiêu thụ nguyên liệu của người dân gia tăng lên. Có những doanh nghiệp xuất khẩu rất cần nguồn vốn lớn để thu mua nông sản nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Những doanh nghiệp như vậy thật sự cần nguồn lực, cần hỗ trợ. Chính sách phải đặt ra những giải pháp đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, chứ không chỉ quan tâm việc hỗ trợ về thuế.

PV: Tại kỳ họp này, dự kiến sẽ thông qua một số dự án luật quan trọng, trong đó có 1 luật sửa 7 luật về các vấn đề tài chính - ngân sách nhà nước. Những nội dụng sửa đổi hầu hết là những cơ chế, chính sách thảo gỡ “ngay và luôn” một số điểm nghẽn. Cơ quan soạn thảo cũng đặt kỳ vọng dự án Luật này sẽ giải phóng được nhiều nguồn lực cho tăng trưởng. Ông đánh giá như thế nào về nội dung này?

Ông Nguyễn Trúc Sơn: Qua nghiên cứu, tôi thấy rằng, dự án 1 luật sửa 7 luật mà Chính phủ đang trình Quốc hội liên quan đến rất nhiều nút thắt, khó khăn thời gian qua. Các điểm sửa đổi, bổ sung đã đánh “trúng” vào thực tiễn của cuộc sống và đó cũng là những điểu mà địa phương cũng như doanh nghiệp đang rất kỳ vọng được giải tỏa.

Chẳng hạn về sử dụng ngân sách, những địa phương có điều kiện thuận lợi hơn có thể sử dụng ngân sách của họ đầu tư ngay cho những công trình, những dự án được triển khai trên địa bàn, không chỉ những dự án do địa phương làm chủ đầu tư mà ngay cả Trung ương làm chủ đầu tư. Thậm chí, có thể dùng ngân sách địa phương này để đầu tư cho những công trình ở địa phương khác nếu có điều kiện. Đó là những cơ chế rất phù hợp với thực tiễn. Các địa phương đều đang rất là mong chờ những sửa đổi này.

PV: Xin cảm ơn ông!