Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước vào chu kỳ phát triển mới theo hướng bền vững hơn Trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu chuyển chu kỳ mới Thị trường trái phiếu doanh nghiệp “hạ cánh mềm” sau những chính sách quyết đoán, chưa có tiền lệ
Thị trường trái phiếu: Cần tiếp tục phát huy tính tự chủ của nhà đầu tư
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

Nền tảng đã tốt, thị trường dần phục hồi

Thời gian qua, các giải pháp về pháp lý và quản lý thị trường đã dần thẩm thấu vào thị trường, qua đó thị trường đã đón nhận các tín hiệu tích cực. Trong đó, các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng an toàn, lành mạnh và minh bạch.

Đặc biệt, Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/3023 sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu đã hỗ trợ về mặt cơ chế, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những phát triển ổn định, khối lượng phát hành gia tăng và tâm lý nhà đầu tư cũng đã ổn định.

Những yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm

Nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Nhà đầu tư cần đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, doanh nghiệp đã quay lại phát hành được trái phiếu, trong khi quý I hầu như không có đợt phát hành nào, từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tính đến cuối tháng 11/2023, có 77 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 214,3 nghìn tỷ đồng.

Nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong 11 tháng đầu năm 2023 là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 96,2% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 55%), các nhà đầu tư cá nhân mua 3,8%. Riêng từ khi Nghị định 08 có hiệu lực thi hành vào 5/3/2023, khối lượng phát hành là 213,5 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của các hiệp hội và thành viên thị trường, các quy định của Nghị định số 08 về đàm phán thanh toán gốc, lãi trái phiếu (đối với các trái phiếu đã phát hành trong giai đoạn trước) là chính sách tốt và hữu hiệu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư, cơ cấu lại các khoản nợ để có thời gian điều chỉnh, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục dòng tiền trả nợ.

Phát huy tính tự chủ của nhà đầu tư

Thực tế cho thấy, các hoạt động đàm phán gia hạn trái phiếu cũng đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, tính chủ động của doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng đang được thể hiện khá linh hoạt trên thị trường trái phiếu thời gian vừa qua.

Căn cứ các quy định của Nghị định 08, doanh nghiệp và nhà đầu tư trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp thì đến nay đã có phương án đàm phán, tỷ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023.

Những diễn biến đang diễn ra trên thị trường cho thấy ý thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư đã được nâng cao hơn so với trước kia, với quan điểm đây là một kênh đầu tư có lợi nhuận và đồng thời cũng có rủi ro. Nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu đã có ý thức hơn trong việc cân nhắc giữa yếu tố rủi ro và lợi nhuận để đưa ra các quyết định đầu tư. Theo đó, việc đầu tư mua trong khâu phát hành hoặc việc có đồng ý bán lại trước hạn hoặc cho doanh nghiệp gia hạn trái phiếu hay không đều trên cơ sở đàm phán và thỏa thuận giữa các bên.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, nhà đầu tư cần lưu ý phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. “Quan trọng hơn nữa là nhà đầu tư cần phải có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành” - ông Dương khuyến cáo.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa khuyến nghị khi cho biết, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu để từ đó có ý thức rõ ràng trong các quyết định đầu tư.

ÔNG PHAN ĐỨC HIẾU - ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI:

Dấu ấn của việc điều hành mạnh mẽ, quyết liệt

Thị trường trái phiếu: Cần tiếp tục phát huy tính tự chủ của nhà đầu tư
Ông Phan Đức Hiếu

Trong năm 2023, để đánh giá khách quan tổng thể kết quả đạt được, tôi cho là có dấu ấn điều hành quyết liệt mạnh mẽ, quyết đoán của Chính phủ nổi bật so với trước đây.

Ví dụ, sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành khoảng 6 tháng, nhận diện có vấn đề trong bối cảnh đã diễn ra, Chính phủ đã kịp thời có Nghị định 08/2023/NĐ-CP. Đây là hành động linh hoạt, quyết đoán. Hay mới gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1177/CĐ-TTg (Công điện 1177) xác định đúng vấn đề, đưa ra các giải pháp rõ ràng.

Có 3 điểm nhấn của Công điện 1177. Thứ nhất, công điện có cách tiếp cận rất hệ thống, không chỉ giải quyết vấn đề của thị trường trái phiếu, mà cả thị trường liên thông với thị trường trái phiếu. Thứ hai là vấn đề bất động sản, lĩnh vực hấp thụ vốn trái phiếu riêng lẻ. Thứ ba là vấn đề vốn tín dụng liên thông nhau, Chính phủ đã có chỉ đạo khơi thông đầu ra, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh có đầu ra bền vững...

Đó là cách tiếp cận toàn diện và đồng bộ. Về thời gian, Công điện 1177 cũng có các giải pháp ngắn và dài hạn, ví dụ các vấn đề trái phiếu đã phát hành, hay phát hành mới...

Giải pháp toàn diện nữa là thông tin tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức với thị trường mới nổi. Có thể nói, cách tiếp cận Công điện 1177 được triển khai quyết liệt, quyết tâm, hệ thống, đồng bộ, toàn diện...

BÀ NGUYỄN NGỌC ANH - TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ SSI:

Kiến thức nhà đầu tư là yếu tố rất quan trọng

Thị trường trái phiếu: Cần tiếp tục phát huy tính tự chủ của nhà đầu tư
Bà Nguyễn Ngọc Anh

Thị trường trái phiếu hay bất kỳ thị trường nào đều phải trải qua giai đoạn phát triển và những vấp váp để chỉnh sửa lại những quy định, chính sách và chuẩn chỉnh hóa quá trình phát triển của mình. Nhìn sang lịch sử các nước xung quanh có thị trường phát triển từ rất sớm cũng đều như vậy.

Trái phiếu là sản phẩm đi vay và cho vay, cũng như tín dụng ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nhất định, nên về nguyên tắc thì thị trường trái phiếu cũng có những tính chất chung như vậy. Với trái phiếu, nhà đầu tư là những người thực hiện mua trái phiếu cần kiến thức đầy đủ và được tiếp cận nguồn thông tin đầy đủ trên cơ sở khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh. Tôi nghĩ đó là việc rất quan trọng.

Trong thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp làm ăn phi pháp và bị xử lý hình sự đã ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu. Qua việc này cũng phải nhìn nhận rằng, vi phạm về trái phiếu là một phần các vi phạm của họ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng ta phải xác định đây là số ít nếu so với toàn bộ quy mô thị trường và việc xử lý cho tới thời điểm này là quyết tâm rất lớn của Nhà nước.

Tôi cho rằng, những rủi ro đã qua là một cú va vấp có thể xảy ra ở tất cả các thị trường trong quá trình phát triển của mình. Sau cú va vấp này, chúng ta đã rút ra kinh nghiệm và tránh được tối đa va vấp ở quy mô lớn hơn.

Về phía nhà đầu tư thì cũng cần nâng cao hiểu biết, đồng thời thị trường cũng cần có sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức tài chính mua trái phiếu thay vì quá tập trung vào đầu tư cá nhân như hiện nay.

Hoàng Long (ghi)